Các ngân hàng sẽ ngấm đòn Covid trong nửa cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng 70-80% nguồn thu của ngân hàng đến từ tăng trưởng tín dụng, nhưng dịch bệnh Covid căng thẳng khiến nhu cầu tín dụng giảm, qua đó tác động mạnh tới lợi nhuận của các nhà băng.
Nhiều ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí khi khách hàng thực hiện các giao dịch trên kênh số Nhiều ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí khi khách hàng thực hiện các giao dịch trên kênh số

Chia sẻ trong chương trình tư vấn đầu tư chủ đề “Ngành Ngân hàng - Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” do CTCK SSI tổ chức, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã chứng khoán: TPB) cho biết, thông thường, ngân hàng truyền thống có 70-80% thu nhập đến từ tín dụng, tức là phần thu từ cho vay trừ đi phần chi trả lãi cho người gửi tiền, ngoài ra có 10-20% từ phí dịch vụ, trên dưới 10% từ hoạt động kinh doanh khác (như hoạt động đầu tư, hoạt động liên quan đến nắm giữ các trạng thái kinh doanh ngoại tệ, hay kinh doanh giấy tờ có giá).

Đặt trong bối cảnh Covid lần thứ 4 diễn biến phức tạp, lan rộng nhanh chóng, buộc các thành phố trung tâm như TP.HCM, Hà Nội phải giãn cách xã hội đã tác động mạnh tới thu nhập, chi tiêu của người dân. Cũng vì vậy, không ít nhà đầu tư e ngại, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh, bởi như nói ở trên, nguồn thu chính, tỷ trọng lớn của ngân hàng đến từ tín dụng.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, room tín dụng hiện nay không dồi dào, thậm chí khá ít. Theo định hướng của NHNN, tăng trưởng tín dụng của toàn bộ nền kinh tế chỉ khoảng 12% và NHNN đang kiểm soát chặt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, phân bổ cho các ngân hàng rất khác nhau.

Với tỷ lệ tăng trưởng đợt 2 vừa được NHNN cấp thêm cho một số ngân hàng chỉ vài phần trăm, thì các ngân hàng vẫn đang còn thiếu room tín dụng kể cả có dịch bệnh, nên không quá lo lắng về tăng trưởng tín dụng. Thậm chí, trong kịch bản kế hoạch của TPB cũng không đưa ra tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá cao.

Việc của ngân hàng là làm sao giảm được giá thành, giảm chi phí và thậm chí là xác định trước lãi suất cho vay sẽ hạ, đều đã tính. Dù dịch bệnh diễn ra có phần căng thẳng hơn so với dự báo, nhưng ông Hưng kỳ vọng, nếu dịch không kéo dài quá 2 tháng, thì vẫn trong nằm trong sức chịu đựng của hệ thống ngân hàng.

Ảnh tác giả

Khi ngân hàng có cơ sở khách hàng lớn, thu hút khách hàng về với mình, thì sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập ở khu vực khác, chứ không nhất thiết phải chú trọng vào phí thanh toán.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Còn theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI, hiện tại dù hoạt động kinh tế có chậm lại, nhưng nhu cầu và mức độ thâm nhập các dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng nhờ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nên việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng dễ hơn.

SSI quan sát trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng đang nghiêng về ngân hàng bán lẻ (các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân), ngược hẳn với năm ngoái. Điều này cho thấy có dư địa cho các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng, bên cạnh những việc đấy tín dụng cho các khách hàng lớn, như từ đầu tư công.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, trào lưu giảm phí, miễn phí trong ngân hàng diễn ra từ năm ngoái và đến nay được nhiều ngân hàng hưởng ứng, cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo bà Phương, các ngân hàng muốn thúc đẩy thanh toán không bằng tiền mặt, các dịch vụ thanh toán của ngân hàng, thì phải tìm cách kiếm lợi nhuận bù lại từ chính sách miễn, giảm phí.

Về phía các nhà băng, ông Hưng cho biết, TPB miễn phí giao dịch khiến giảm lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng, là con số không ít. Tuy nhiên, TPB nói riêng và các ngân hàng nói chung đã có tính toán lâu dài, cùng đồng hành với người dân, doanh nghiệp trong dịch bệnh. Bởi trong xu hướng số hóa, chuyển đổi số, chi phí giao dịch của ngân hàng cũng đã giảm đi rất nhiều.

Cụ thể, một giao dịch ở quầy chi phí khoảng 20.000 đồng, nhưng trên kênh số thì chỉ khoảng 200 đồng, không đáng kể, nên hoàn toàn có thể miễn phí cho khách hàng mà không ảnh hưởng quá lớn đến bức tranh lợi nhuận chung (dù có thể ngân hàng phải đầu tư hệ thống, nhưng sẽ được khấu hao dần và lợi ích mang lại trong tương lai lớn).

Ông Hưng cho biết, khi ngân hàng có cơ sở khách hàng lớn, thu hút khách hàng về với mình, thì sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập ở khu vực khác, chứ không nhất thiết phải chú trọng vào phí thanh toán.

Với câu chuyện tăng nợ xấu trong nửa cuối năm 2021, ông Hưng đánh giá, dịch bệnh khiến một số cá nhân có thể bị ảnh hưởng về thu nhập, nên những phân khúc thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tùy theo đối tượng khách hàng trọng tâm của ngân hàng, lĩnh vực kinh doanh nào, chẳng hạn giai đoạn này thì phân khúc tiêu dùng, tín chấp sẽ bị ảnh hưởng, tương tự nhà đất, ô tô cũng ảnh hưởng nhưng ít hơn; còn phân khúc cao hơn thì không ảnh hưởng nhiều.

Đến 31/12/2021 dự báo nợ xấu sẽ có tăng chút ít, nhưng Thông tư 03 cho phép các ngân hàng có thể gia hạn cho khách hàng, nên cũng không đáng ngại. Ngoài ra, việc gia hạn cơ cấu nợ cũng ảnh hưởng tới doanh thu do tất cả các khách hàng này không được tính dự thu lãi, nhưng mức ảnh hưởng không lớn.

Ông Hưng dự kiến nếu trong tháng 8 dịch bệnh có thể lui bớt, thì trong quý 3 có thể giảm hơn so với trước, quý 4 thì phục hồi. Kinh nghiệm từ 2020 thì quý 2-3 cũng lình xình, nhưng bùng nổ trong quý 4 bù lại thoái trào trong dịch bệnh.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục