Cổ phiếu ngân hàng: Cơ hội từ câu chuyện tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng trưởng tín dụng và tăng tổng tài sản, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Đây cũng là động lực cho giá cổ phiếu ngân hàng được các chuyên gia khuyến nghị.
Cổ phiếu ngân hàng: Cơ hội từ câu chuyện tăng vốn

Câu hỏi được hỏi nhiều nhất về cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua là, quý II có phải là quý đỉnh về lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng hay không? Vì vậy, giá cổ phiếu phải chăng phản ánh tương tự - đang là đỉnh.

Trong chương trình tư vấn đầu tư chủ đề “Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” do SSI tổ chức ngày 28/7, ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI cho biết, trong mô hình đầu tư hiện tại, các nhà đầu tư 85% cá nhân thì cơ bản đầu tư theo xu hướng momentum - tức khi nào tăng trưởng thì tham gia, còn suy giảm thì rút đi để tham gia cổ phiếu có tăng trưởng tốt hơn.

Với thị trường hiện nay, để dòng tiền quay lại mạnh mẽ thì chỉ có 2 cách, các cổ phiếu nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng phải có những câu chuyện, chất xúc tác mới, hoặc khi nhìn thấy định giá của cổ phiếu ngân hàng rất rẻ rồi mới quay lại.

Trong khi đó, xu hướng chung là nhiều nhà đầu tư đang nhìn nhận theo hướng giảm tốc, thay vì tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng 60% trong nửa đầu năm, thì chỉ còn tăng khoảng 12-15% trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh nỗi lo về kết quả kinh doanh sẽ không tăng trưởng bằng nửa đầu năm, các nhà đầu tư còn nhìn lại vấn đề tăng vốn ở nhiều ngân hàng - là chất xúc tác cho cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm, thì nay đặt trong bối cảnh điều chỉnh lại nhà đầu tư lo lắng hơn tới về đề pha loãng.

Theo chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia của SSI ước tính tổng số vốn tăng thêm từ các đợt phát hành của ngân hàng là 82.000 tỷ đồng trong năm 2021, tương ứng tăng 31% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienphongBank – Mã: TPB) cho biết, nhiều ngân hàng đạt chuẩn Baseal II, tuân thủ chuẩn mực mới đó và theo quy định của NHNN sẽ được ưu tiên trong một số việc như room tăng trưởng tín dụng mỗi năm...

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong

Theo thống kê, phần lớn ngân hàng cổ phần Việt Nam có hệ số đủ vốn CAR chỉ 9%, chưa kể một số ngân hàng có vốn nhà nước thậm chí thấp hơn, vì tăng vốn còn khó hơn do nhiều cơ chế khác điều tiết. Vậy với yêu cầu tối thiểu đạt 8% thì không còn nhiều dư địa, mà mỗi ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro (như dư nợ, hoặc danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, hay danh mục có rủi ro khác) thì đỏi hỏi lượng vốn tự có tăng lên tương ứng.

Nếu tiến tới Basel III thì thậm chí tỷ lệ vốn cao hơn, tăng thêm 2,5% so với trước, trong đó yêu cầu vốn cấp 1 cơ bản hoặc vốn cấp 1 thông thường – tức vốn tự có của ngân hàng, đều phải cao hơn.

Theo đó, ông Hưng cho biết, ngân hàng lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng tín dụng và tăng tổng tài sản. Chỉ khi ngân hàng có quy mô lớn, có vốn tự có lớn thì mới có sức chống chịu trước biến động, rủi ro thị trường lớn và có cơ hội tăng trưởng. Các ngân hàng phải đầu tư vào các danh mục về tín dụng, về cho vay thì mới có thu nhập, tăng lợi nhuận, từ đó có cổ tức trả cổ đông. Cổ đông dĩ nhiên luôn muốn đầu tư vào danh mục có cổ tức cao nhất. Luôn luôn trong vòng quay như vậy, đòi hỏi ngân hàng phải luôn quản trị một cách rất hiệu quả nhưng yêu cầu tăng vốn lúc nào cũng bức thiết với ngân hàng.

Theo ông Hưng, các năm trước, hệ số sinh lời ROE của các ngân hàng khoảng 10%, thấp hơn so với trung bình ngành hiện nay là 15%. Một số ngân hàng có ROE rất tốt, trên 20%, như TPB là 25 - 26%. Nếu tính trên ROE và P/E thì khá là thấp, nên các nhà đầu tư dễ hấp thụ khi ngân hàng muốn phát hành thêm cổ phiếu mới riêng lẻ hay ra công chúng, hoặc cổ tức bằng cổ phiếu. Vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi để ngân hàng tăng vốn, vì kết quả kinh doanh vẫn khả quan, kênh đầu tư thì chứng khoán (trong đó có cổ phiếu ngân hàng) vẫn mang lại lợi suất đầu tư tốt.

Do nhu cầu cấp thiết tăng vốn, sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được cấp tới đâu, nên các ngân hàng cũng cần thực hiện càng sớm càng tốt”, ông Hưng nói.

Nếu so sánh trong khu vực, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI nhìn nhận, với mức ROE trung bình của ngân hàng hiện nay là 15%, cao hơn hẳn so với trong khu vực chỉ 9-11% (Thái Lan, Indonesia, Philipine, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ). Và ngân hàng ở Việt Nam có 3 đặc điểm khác biệt.

Mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2021 sẽ chậm lại, khoảng 13%, nhưng nhìn cả năm 2022, SSI ước tính quay lại là 21% - cao hơn mức tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết mà SSI ước tính cho 2022.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI

Thứ nhất, ngân hàng Việt Nam có dư địa tăng trưởng về thu phí rất lớn so với các ngân hàng trong khu vực, vì sự thâm nhập dịch vụ ngành ngân hàng hiện nay ở Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 30% dân số, tỷ lệ người mua sản phẩm tài chính như bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm quản lý tài sản, sản phẩm thanh toán thẻ - vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, có yếu tố mang tính thách thức với ngân hàng Việt Nam, đó là liên quan việc tăng vốn. Hiện có nhiều ngân hàng niêm yết Việt Nam tuân thủ được 3 trụ cột Basel II, một số ngân hàng tiến đến Basel III, tuy nhiên, với ngân hàng trong khu vực thì đã tuân thủ được Basel III là phổ biến.

Việc tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện tại đang không theo kịp mức độ tăng trưởng của tài sản rủi ro. Ví dụ có ngân hàng lớn, là trụ cột hệ thống ngân hàng Việt Nam không đạt tiêu chuẩn Basel II vì họ không kịp tăng vốn.

Nói về chiến lược đầu tư cổ phiếu ngân hàng cuối năm ra sao, giá đã hấp dẫn chưa? Theo bà Phương, mức tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chậm lại (do nền cơ sở so sánh thấp cùng kỳ không còn trong nửa cuối năm, dịch bệnh), khoảng 13%, nhưng nhìn cả năm 2022, SSI ước tính quay lại là 21% - cao hơn mức tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết mà SSI ước tính cho 2022.

Còn diễn biến cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ có sự phân hóa, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cổ phiếu có khả năng duy trì tăng trưởng mạnh trong cuối năm, có câu chuyện riêng như tăng vốn để làm nguồn động lực cho tăng trưởng trong dài hạn.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI

Khi định giá cổ phiếu ngân hàng thường sử dụng song song chỉ số P/B và ROE. Ngân hàng Việt Nam có POE trung bình 15-18%, P/B hiện tại theo ước tính của SSI là 2,1 lần – nghĩa là tiệm cận gần mức đỉnh năm 2018 là 2,4 lần.

So sánh với các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng có ROE trên 20% thì có P/B trên 2 lần, ROE từ 10-15% thì thường giao dịch ở mức P/B trên 1 lần. Theo đó, bà Phương đồng ý rằng, P/B của cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang không thấp, nhưng diễn biến giá cổ phiếu còn phụ thuộc cung cầu trên thị trường.

Hiện cơ cấu nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tổng 34% tổng VN-Index, thì khi các nhà đầu tư mới tham gia khó bỏ qua các cơ hội trong ngành ngân hàng. Mỗi ngân hàng cũng có câu chuyện riêng liên quan tăng vốn và tăng trưởng dài hạn, là yếu tố xem xét quyết định mục tiêu định giá P/B của từng ngân hàng.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục