Các ngân hàng bị áp lực lợi nhuận từ lãi suất tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động khiến biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng đối mặt với khả năng suy giảm
Cạnh tranh thu hút tiền gửi dần gia tăng, nhất là ở các ngân hàng nhỏ Cạnh tranh thu hút tiền gửi dần gia tăng, nhất là ở các ngân hàng nhỏ

Không muốn cũng phải tăng lãi suất huy động

Ngày đầu tiên của tháng 8/2022, Vietcombank công bố biểu lãi suất huy động mới tăng thêm 0,1%/năm đối với hầu hết các kỳ hạn gửi tiền. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng là 3,1%/năm, 3 tháng là 3,4%/năm, 12 tháng là 5,6%.

Techcombank cũng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kể từ đầu tháng 8, mức tăng phổ biến là 0,2%/năm. Đối với khách hàng thường, dưới 50 tuổi và khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 3,05%/năm, 3 tháng là 3,55%/năm, 6 tháng là 5,35%/năm, 12 tháng là 5,75%.

Tại VietCapitalBank, kể từ ngày 3/8, Ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 6%/năm lên 6,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 6%/năm lên 6,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 6,6% lên 6,8%.

Viễn cảnh chung về biên lãi ròng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 là đi ngang hoặc giảm nhẹ.

Tương tự, VPBank điều chỉnh tăng 0,4%/năm lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng, lên 5,2%/năm.

Trước đó, ngày 28/7, KienlongBank tăng lãi suất huy động thêm 0,3 - 0,6%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 3 tháng đạt 4%/năm, 6 - 9 tháng đạt 6%/năm.

Không ít ngân hàng khác nâng lãi suất huy động trong vòng 1 tháng qua như MBBank, ABBank, ACB, HDBank, SCB, SHB, CBBank...

“Mặc dù không muốn nâng lãi suất huy động, bởi thanh khoản của ngân hàng vẫn ổn định, nhưng ban lãnh đạo vẫn buộc phải điều chỉnh tăng, vì lo ngại khách hàng sẽ chuyển tiền sang gửi ở nhà băng khác. Nếu điều đó xảy ra sẽ gây bất lợi cho ngân hàng, không có sẵn nguồn để cho vay trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có thể sắp nới hạn mức tăng trưởng tín dụng”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, về cơ bản, lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động. Bởi lẽ, các ngân hàng cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay như định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023, trong đó có cấu phần hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

“Bản thân Chương trình phục hồi kinh tế cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thực tế, điều này là khó khăn vì lãi suất đầu vào tăng mạnh và tiết giảm chi phí cũng chỉ ở mức độ nào đó”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, một số khoản vay, một số khách hàng, một số dự án có lãi suất tăng lên, nhưng chỉ là cục bộ và dựa vào mức độ rủi ro của khoản vay, khách hàng, hay dự án đó, chứ không phải của cả hệ thống.

“Biên lãi ròng sẽ nhỏ hơn so với 2 năm qua. Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu từ nhiều kênh khác nhau”, ông Lực nhấn mạnh.

NIM sẽ phân hóa

Theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ này sẽ giảm từ 37% xuống 34% và 1 năm sau đó giảm còn 30%.

Trong bối cảnh chi phí huy động vốn gia tăng cùng việc tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, NIM của ngành ngân hàng có khả năng suy giảm trong những tháng cuối năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, NIM ngành ngân hàng vẫn tích cực nhờ quản lý tốt tỷ lệ thanh khoản, cân đối lãi suất thị trường 1 và nhu cầu huy động, tái phân bổ nguồn lực..., mặc dù lãi suất huy động được điều chỉnh tăng.

Nhưng NIM có sự phân hóa giữa các ngân hàng, vì mức độ thay đổi lãi suất khác nhau. Trong đó, mức tăng lãi suất của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối thấp hơn so với các ngân hàng khác do “quyền lực” định giá mạnh hơn và có vai trò lớn trong việc thiết lập lãi suất tham chiếu.

Dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng tới NIM.

“Việc tăng lãi suất là không thể tránh khỏi, trong khi các ngân hàng Việt Nam có chênh lệch kỳ hạn (nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn) lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói và cho rằng, cho dù lãi suất huy động tăng nhanh hơn lãi suất cho vay, nhưng vẫn có những ngân hàng duy trì được mức NIM cao, tập trung vào các nhà băng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao, tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp.

“Nhìn chung, triển vọng NIM là phân hóa, nhưng nền so sánh sẽ hỗ trợ”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2022 mà Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố, Techcombank sẽ duy trì được động lượng ổn định trong hai quý cuối năm 2022, với thu nhập ngoài lãi cải thiện và tăng trưởng tài sản chậm lại. NIM dự kiến dao động quanh mức 5,4 - 5,6% trong giai đoạn 2022 - 2023.

Với HDBank, tăng trưởng tín dụng và NIM được dự báo vẫn là những yếu tố thuận lợi cho thu nhập lãi vào cuối năm 2022, nhưng sẽ chậm lại khi bước sang năm 2023 do lãi suất huy động tăng.

Tại Vietcombank, NIM 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến đi ngang quanh mức 3,3% như đạt được trong nửa đầu năm nay, dù lãi suất huy động tăng. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2022 - 2023 dự báo lần lượt đạt 36.900 tỷ đồng và 41.400 tỷ đồng, đồng nghĩa lợi nhuận nửa cuối năm 2022 sẽ tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Về VietinBank, VDSC nhận định, bằng cách đầu tư vào công nghệ, kết hợp với chi phí huy động vốn và chi phí tín dụng được kiểm soát, ngân hàng này có khả năng tăng trưởng bảng cân đối một cách hiệu quả, bất chấp áp lực từ nguồn vốn. Tăng trưởng thanh toán và thu hồi nợ sắp tới sẽ góp phần tạo ra khả năng sinh lợi tốt hơn cho Ngân hàng thông qua tăng trưởng thu nhập ngoài lãi.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận xét, hành vi người gửi tiền dần chuyển hướng sang các ngân hàng số hóa và hệ sinh thái được kết nối tốt, qua đó giảm tác động dẫn truyền từ tăng lãi suất huy động lên chi phí tiền gửi bình quân, nhưng cạnh tranh lãi suất huy động gây áp lực lên NIM, do môi trường chi phí đang thay đổi.

Mặt khác, chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi đang ở mức cao (tính đến ngày 26/7/2022, tăng trưởng tín dụng là 9,42%, tăng trưởng huy động là 4,21% so với đầu năm nay), tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, NIM vẫn có các yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới: thứ nhất, dư nợ bán lẻ và hoạt động tài chính tiêu dùng tăng trưởng tốt; thứ hai, lãi dự thu phục hồi sau thời gian hỗ trợ; thứ ba, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) và tỷ lệ cho vay trung - dài hạn của ngành ngân hàng duy trì mức thấp.

Tuy nhiên, viễn cảnh chung về NIM trong nửa cuối năm 2022 của ngành ngân hàng được VCBS dự báo là đi ngang hoặc giảm nhẹ, do lãi suất huy động chịu áp lực tăng và CASA tăng chậm lại.

Theo đó, VCBS duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022, nhưng mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023. Đặc biệt, trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục