Các hãng tàu Trung Quốc tận dụng căng thẳng để hoạt động ở Biển Đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số hãng tàu Trung Quốc đã tái triển khai tàu để phục vụ ở khu vực Biển Đỏ và Kênh đào Suez, điều mà các nhà phân tích cho rằng là một nỗ lực nhằm khai thác khả năng "miễn dịch" được cho là của Trung Quốc trước các cuộc tấn công của Houthi, vốn đã khiến hầu hết các nhà khai thác tàu khác phải rời khỏi khu vực.
Các hãng tàu Trung Quốc tận dụng căng thẳng để hoạt động ở Biển Đỏ

Các tàu của Trung Quốc đang phục vụ các cảng như Doraleh ở Djibouti, Hodeidah ở Yemen và Jeddah ở Ả Rập Xê Út, tất cả những nơi này đều phải đối mặt với sự sụt giảm lớn về lưu lượng do các tuyến vận chuyển container quốc tế đã định tuyến lại để tránh các cuộc căng thẳng ở Biển Đỏ.

Trong số các hãng tàu tái triển khai đội tàu có Transfar Shipping có trụ sở tại Thanh Đảo. Trang web của công ty có mô rằng họ là “một công ty mới nổi trên thị trường xuyên Thái Bình Dương”, cung cấp các dịch vụ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hai trong số ba tàu của Transfar Shipping là Zhong Gu Ji Lin và Zhong Gu Shan Dong, hiện đang hoạt động ở Trung Đông. Các trang web theo dõi tàu cho thấy tàu Zhong Gu Shan Dong xuất phát từ Địa Trung Hải qua Kênh đào Suez vào cuối tháng 12/2023, sau khi nhiều tuyến khác đã rời khỏi khu vực.

Nhóm Houthis vào cuối tháng 11/2023 đã bắt đầu tấn công các tàu thương mại mà họ cho rằng có liên kết với Israel. Nhóm này cũng đã tấn công các tàu khác, đặc biệt là những tàu có liên quan đến Mỹ. Nhưng các nhà lãnh đạo của nhóm này đã nói rằng họ sẽ không tấn công các tàu liên quan đến Trung Quốc hoặc Nga, vì cả hai đều là đồng minh của Iran, miễn là họ không có liên kết với Israel.

Cichen Shen, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty kinh doanh dữ liệu hàng hải Lloyd's List Intelligence cho biết, “lời giải thích dễ hiểu nhất” cho việc các nhà khai thác Trung Quốc đổ xô vào khu vực là họ đang tìm cách khai thác khả năng miễn dịch tương đối của mình nhằm giành được hoạt động kinh doanh.

Hãng tàu China United Lines (CU Lines) tuần trước thông báo rằng họ đang bắt đầu tuyến Red Sea Express nối Jeddah ở Ả Rập Xê Út với một loạt cảng Trung Quốc. Chuyên gia Cichen Shen cho biết, việc CU Lines áp dụng cách tiếp cận mang tính cơ hội tương tự đối với tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ là “tự nhiên” giống như cách họ đã làm đối với các đợt trì hoãn trong giai đoạn Covid.

Simon Heaney, quản lý cấp cao về nghiên cứu container tại Drewry Shipping Consultants cho biết, các hãng vận chuyển hàng hóa qua khu vực sẽ phải cân nhắc xem có nên chấp nhận rủi ro khi sử dụng các dịch vụ mới hay không.

“Đó là cơ hội, rủi ro và nó có thể thu hút một số chủ hàng ít sợ rủi ro hơn”, ông cho biết.

Việc các hãng tàu Trung Quốc di chuyển tới Biển Đỏ diễn ra sau khi hầu hết các hãng tàu container lớn tránh khu vực phía Nam Biển Đỏ vì những rủi ro an ninh. Số liệu từ công ty dịch vụ vận tải biển Clarksons, cho thấy lượng tàu container đến gần cửa Biển Đỏ vào giữa tháng 1/2024 đã giảm trung bình 90% so với nửa đầu tháng 12/2023.

Trang web của Công ty Sea Legend có trụ sở tại Thanh Đảo đã nhấn mạnh rằng các tàu của họ treo cờ Trung Quốc và đi qua khu vực nguy hiểm Biển Đỏ được hải quân Trung Quốc hộ tống. Sea Legend trước đây là một nhà điều hành hãng tàu chưa được biết đến, nhưng trong tháng này đã triển khai một tuyến sử dụng 7 tàu để nối các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Istanbul, với Trung Quốc qua Biển Đỏ.

Hơn nữa, các công ty phục vụ các cảng Aden ở Yemen, Doraleh ở Djibouti, Jeddah ở Ả Rập Xê Út, Aqaba ở Jordan và Sokhna ở Ai Cập, tất cả đều nằm trong khu vực hiện chưa có hầu hết các tuyến container lớn phục vụ.

Sea Legend cho biết, họ đã bổ sung các tàu ghé cảng Biển Đỏ vào các dịch vụ của mình để đưa ra giải pháp cho các chủ hàng hoá ở Viễn Đông với mức độ an ninh phù hợp.

Theo ông Simon Heaney, những công ty mới tham gia có thể sẽ “biến mất rất nhanh” khi sự gián đoạn kết thúc.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục