Các đợt phong toả của Trung Quốc có thể trở thành một “vấn đề lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo cố vấn quản lý Richard Martin, nhiều hàng hóa đang bị mắc kẹt ở Trung Quốc do các đợt phong toả để chống dịch Covid và nó có thể trở thành một “vấn đề lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các đợt phong toả của Trung Quốc có thể trở thành một “vấn đề lớn” đối với nền kinh tế toàn cầu

Richard Martin, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp IMA Asia cho biết: “Nhiều thứ mà chúng tôi sử dụng trên khắp thế giới được sản xuất có các thành phần từ Trung Quốc và chúng tôi sắp chứng kiến ​​một cơn sốt hậu cần sẽ làm ảnh hưởng mọi thứ như năm 2020 hoặc 2021. Trung Quốc chiếm 20% nhu cầu toàn cầu nhưng vai trò của họ trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn thế nhiều”.

Kể từ những tháng đầu của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đã phải vật lộn với những thách thức trong chuỗi cung ứng do sự kết hợp của nhiều yếu tố - chẳng hạn như dịch vụ hậu cần phải gặp nhiều khó khăn để theo kịp với khối lượng thương mại, hoặc sự gia tăng làn sóng lây nhiễm Covid ở các khu vực của châu Á đe dọa làm gián đoạn dòng chảy thương mại của các mặt hàng. Trong khi căng thẳng ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 càng làm dấy lên những lo ngại đó.

“Triển vọng đối với nền kinh tế toàn cầu hiện đang trở nên khá mờ nhạt - Châu Âu đối mặt với căng thẳng địa chính trị ngay tại khu vực của mình, Mỹ đã có những đợt tăng lãi suất lớn sắp tới có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ và ở Trung Quốc, họ đang thực sự chậm lại”, ông Richard Martin cho biết.

Tác động của việc đóng cửa đối với nền kinh tế Trung Quốc

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã phải chống chọi với đợt bùng phát Covid nghiêm trọng nhất kể từ cú sốc ban đầu của đại dịch vào đầu năm 2020.

Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu về khu vực châu Á và Nhật Bản tại Nomura cho biết: “Trung Quốc hiện đang rất dễ bị tổn thương”.

Theo cuộc khảo sát của Nomura về mức độ của các đợt phong toả trên khắp Trung Quốc, ông cho biết: “Nếu chúng tôi xem xét các tỉnh có đợt phong toả một phần hoặc toàn bộ, chúng tôi ước tính nó chiếm khoảng 40% GDP của Trung Quốc”.

Thành phố Thượng Hải là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chính quyền địa phương đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt về làm việc ở nhà và hạn chế đi lại. Tỉnh Cát Lâm có nhiều nhà máy sản xuất ô tô cũng bị ảnh hưởng nặng nề mặc dù tình trạng lây nhiễm dường như đang bắt đầu thuyên giảm.

“Vấn đề mà Bắc Kinh gặp phải là trên toàn quốc - không chỉ Thượng Hải mà còn ở phía nam Quảng Châu và tất nhiên là ở Cát Lâm, nơi có rất nhiều cơ sở sản xuất”, ông Richard Martin cho biết.

Nhà kinh tế Subbaraman cho biết, sự gián đoạn nguồn cung hiện nay đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng. “Chúng tôi cho rằng doanh số bán lẻ của Trung Quốc có thể sẽ giảm hoàn toàn vào tháng 3, kinh tế Trung Quốc đang có vẻ cực kỳ yếu và thực sự cần nhiều chính sách kích thích hơn nữa”, ông cho biết.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược Zero Covid nghiêm ngặt, trong đó các hạn chế cứng rắn được đưa ra nhanh chóng sau khi phát hiện ra các ca lây nhiễm. Ngược lại, hầu hết các quốc gia khác trên thế giới phần lớn đã chuyển sang sống chung với Covid và đang bắt đầu mở lại biên giới để khôi phục du lịch quốc tế.

Ông cảnh báo, trong khi Trung Quốc cuối cùng dự kiến ​​sẽ chống lại được làn sóng nhiễm trùng Covid bắt nguồn từ biến thể omicron có khả năng truyền nhiễm cao, nhưng nó có thể sẽ phải trả giá bằng sự suy thoái kinh tế, ông cảnh báo.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục