Mối lo kép của kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá hàng hoá toàn cầu đã tăng phi mã trong vòng 3 tuần qua, kể từ khi xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đến sau lạm phát đang là quan ngại của nhiều chuyên gia kinh tế.
Mối lo kép của kinh tế toàn cầu

Theo nhiều nhà kinh tế học, kinh tế thế giới có thể tránh được kịch bản lạm phát phi mã, nhưng cái giá phải trả có thể sẽ là đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, thậm chí là suy thoái. Khi đó, các nền kinh tế mới nổi đặc biệt dễ bị tổn thương.

Ông Kazuo Momma, cựu Trưởng bộ phận chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết: "Chúng ta nên lo ngại về việc đà tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc đáng kể hơn là lạm phát tăng vọt".

Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho rằng, các ngân hàng trung ương như Fed đã rút ra bài học từ tình trạng lạm phát kéo dài trong những năm 1970, đủ để "kịch bản đen tối" không xảy ra một lần nữa. "Các ngân hàng trung ương có thể sẽ lựa chọn đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái hơn là tình trạng lạm phát kèm suy thoái và sau đó là một cuộc suy thoái tồi tệ hơn nhiều", ông nói.

Kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, giá dầu thô đã tăng lên 130 USD/thùng, trước khi điều chỉnh về dưới 100 USD/tuần trong tuần qua do ảnh hưởng của việc Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố vì số ca nhiễm Covid-19 tăng lên. Tuy nhiên, với việc Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga; Anh tuyên bố sẽ cắt giảm dần, tiến tới chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga vào cuối năm nay, một số chuyên kinh tế cảnh báo, nếu các nước phương Tây khác cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, giá dầu có thể lên mức 240 USD/thùng trong mùa hè năm nay.

“Xét tới vai trò của Nga về cung cấp năng lượng cho thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.

Chỉ số CPI của Mỹ dự kiến sẽ tăng 7,9% trong tháng 2, mức cao nhất kể từ năm 1982. Bloomberg Economics nhận định CPI của Mỹ sẽ đạt đỉnh vào khoảng 9% trong tháng 3 hoặc tháng 4 sau đó sẽ giảm dần về quanh mức 7 - 8% trong năm 2022. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỷ lệ lạm phát của Mỹ luôn được giữ ổn định quanh mức 2%.

Theo lý thuyết, việc lạm phát tăng đột biến có thể không gây ra một cuộc suy thoái nhưng lạm phát tăng đột biến chỉ có thể được giảm bởi một cuộc suy thoái. Từ năm 1940, Mỹ đã trải qua 9 lần mức lạm phát tăng đột biến từ 5% trở lên và mỗi lần lạm phát vượt quá 5% trong thời gian ngắn thì có một cuộc suy thoái xảy ra ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn sau đó.

Trong năm qua, ảnh hưởng của đại dịch đã gây tắc nghẽn nguồn cung, việc các chính phủ chi tiêu mạnh tay và chính sách tiền tệ nới lỏng đã đẩy mức giá cả của các mặt hàng lên cao. Châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngay cả trước khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Việc giá cả năng lượng và các loại nguyên vật liệu tăng cao đang là trở ngại lớn đối với các ngân hàng trung ương. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ nâng lãi suất 6 lần trong năm nay với 0,25%. Hiện tại, các quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha đang sử dụng chính sách tài khóa để giảm bớt cú sốc lạm phát, đưa ra các khoản trợ cấp để giúp đỡ người dân.

Chỉ số lạm phát ở Anh có thể vượt 8%, gấp bốn lần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh đề ra và làm tăng khả năng suy thoái, theo Resolution Foundation.

Đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và năng lượng, lạm phát có thể lên tới trên 10%. Điều đó có nghĩa là thu nhập gia đình thông thường tại Anh có thể giảm 4% theo giá trị thực trong năm nay.

Dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp tại Trung Quốc cũng làm gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Các biện pháp phong toả tại nhiều thành phố đã buộc các nhà máy, bao gồm cả các nhà máy liên kết với Apple, Toyota và Volkswagen, phải tạm ngừng hoạt động.

Tình trạng tồn đọng các tàu container ở ngoài khơi Thanh Đảo, một trong những cảng lớn nhất của nước này cũng tăng lên. Những điểm nghẽn này dự kiến sẽ đẩy giá vận tải container tăng cao hơn nữa.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục