Sự phục hồi của cổ phiếu và lợi suất trái phiếu chính phủ kể từ đợt tăng lãi suất tháng 6 của Fed có nghĩa là các điều kiện tài chính đang thực sự được nới lỏng, mặc dù nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng với mức tăng lãi suất 150 điểm cơ bản của hai cuộc họp gần đây.
Các điều kiện tài chính phản ánh sự sẵn có của nguồn tài trợ trong một nền kinh tế, ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu, tiết kiệm và kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp và hộ gia đình, vì vậy các ngân hàng trung ương muốn họ thắt chặt để giúp kiểm soát lạm phát, hiện đang vượt xa mức mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Một chỉ số điều kiện tài chính (FCI) của Mỹ do Goldman Sachs thực hiện bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đi vay, mức vốn chủ sở hữu và tỷ giá hối đoái đã nới lỏng khoảng 80 điểm cơ bản kể từ cuộc họp tháng 6 của Fed.
Điều kiện tài chính (FCI) trở nên nới lỏng hơn từ tháng 6 |
Tại khu vực đồng euro, các điều kiện cũng đã nới lỏng khoảng 40 điểm cơ bản và thị trường tiền tệ đã định giá hầu hết các đợt tăng lãi suất năm 2023 mà họ dự kiến trước đó.
Sự thay đổi trong điều kiện tài chính được thúc đẩy bởi lo ngại suy thoái, khiến các thị trường không chỉ giảm mức độ họ mong đợi Fed sẽ tăng lãi suất, mà còn kỳ vọng vào các đợt giảm lãi suất vào năm tới. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nghĩ rằng, Fed sẽ lo ngại hơn về một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hơn là lạm phát trong năm tới.
Những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau đợt tăng lãi suất vào tháng 7 cũng được một số nhà đầu tư giải thích là ngụ ý một "trục quay ôn hòa".
Thị trường tiền tệ hiện kỳ vọng việc tăng lãi suất của Fed sẽ dừng ở mức khoảng 3,6% vào tháng 3/2023 so với mức 4% dự kiến trước khi tăng lãi suất tháng 6, tiếp theo là mức cắt giảm khoảng 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023.
Kể từ đợt tăng lãi suất tháng 6, chỉ số S&P 500 đã tăng 13%, giá dầu giảm 22% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 70 điểm cơ bản. Thị trường tín dụng cũng phục hồi.
Tuy nhiên, các điều kiện tài chính vẫn thắt chặt hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với mức thấp kỷ lục cuối năm 2021 và chỉ số S&P 500 vẫn giảm 10% cho năm 2022.
Goldman Sachs ước tính, việc thắt chặt chỉ số điều kiện tài chính 100 điểm cơ bản sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% trong năm tới, nhưng việc nới lỏng gần đây đang tiến gần đến điều mà Goldman Sachs gọi là "vòng lặp FCI".
"Nếu bạn thấy các điều kiện tài chính bổ sung được nới lỏng quá mức có thể sẽ không bền vững vì triển vọng hoạt động, tăng trưởng tiền lương và lạm phát có vẻ quá nóng”, Daan Struyven, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao tại Goldman Sachs cho biết.
Patrick Saner, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Swiss Re cho biết: "Cách giải thích ôn hòa đó là lý do khiến kỳ vọng lạm phát tăng trở lại. Điều này cho thấy Fed vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành ở phía trước".
Dữ liệu tuần trước cho thấy, lạm phát của Mỹ có phần hạ nhiệt trong tháng 7 đã thúc đẩy sự nới lỏng hơn nữa trong điều kiện tài chính. Tuy nhiên, dữ liệu tăng trưởng tiền lương và việc làm gần đây của Mỹ chỉ ra rằng, thị trường lao động ngày càng thắt chặt.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 3,5%, thấp hơn nhiều so với mức thấp nhất là 4,4% theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội để có thể đạt đến mà không làm tăng lạm phát.
Trong khi đó, mức tăng lương hàng năm là 5,2%, cao hơn mức 3,5% mà Goldman ước tính là cần thiết để kéo lạm phát xuống mức mục tiêu của Fed là 2%.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed đã đẩy lùi sự thay đổi về giá cả thị trường và nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục thắt chặt chính sách cho đến khi áp lực giá giảm bớt.
Các nhà hoạch định chính sách cũng nói rằng, không có khả năng Fed sẽ quay sang cắt giảm lãi suất vào năm 2023. Các điều kiện tài chính cần phải thắt chặt hơn và để điều đó xảy ra, "mọi người cần phải chứng kiến sự sụt giảm của tài sản rủi ro, giá cổ phiếu hoặc sự gia tăng của lợi tức trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Thông thường, đó là sự kết hợp", chiến lược gia Patrick Saner cho biết.
Goldman Sachs dự kiến, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ đạt 3,30% vào cuối năm, tăng so với mức 2,80% hiện nay. Morgan Stanley cũng ước tính, chỉ số S&P 500 sẽ giảm thêm 9% cho đến tháng 6/2023.
Các nhà phân tích của UBS lưu ý rằng, thị trường chứng khoán hiện đang phù hợp với lạm phát lõi quay trở lại mức 1,5 - 2%. Nếu lạm phát kết thúc năm cao hơn 1%, thì việc điều chỉnh định giá sẽ khiến S&P 500 giảm 25%.
Bill Dudley, cựu lãnh đạo Fed New York cho biết: “Suy nghĩ mơ mộng trên thị trường chỉ khiến công việc trở nên khó khăn hơn vì việc nới lỏng các điều kiện tài chính sẽ yêu cầu thắt chặt tiền tệ hơn để bù đắp”.