Các công ty Trung Quốc tạm hoãn kế hoạch niêm yết tại Mỹ do căng thẳng Mỹ Trung gia tăng

(ĐTCK) Các công ty Trung Quốc đang hoãn kế hoạch niêm yết tại Mỹ khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gia tăng.

“Hiện tại, chúng tôi đã chứng kiến các công ty Trung Quốc hoãn lại kế hoạch IPO tại Mỹ. Lý do cơ bản cho sự chậm lại là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”, theo Stephen Chan, một đối tác tại công ty luật Dechert LLP ở Hong Kong.

“Nếu căng thẳng giữa 2 quốc gia còn diễn ra tiếp tục, chúng tôi cho rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài”, ông nói thêm.

Nhóm các công ty Trung Quốc đã huy động 1,67 tỷ USD thông qua hoạt động IPO ở New York trong năm nay và đang tìm cách để huy động thêm hơn nửa tỷ USD tại sàn chứng khoán Mỹ. Trong năm 2019, các công ty Trung Quốc đã huy động 3,5 tỷ USD, theo dữ liệu Dealogic.

Nhiều công ty đã báo cáo kế hoạch niêm yết tại Mỹ cho cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc, đánh dấu giai đoạn đầu của quy trình, nhưng hiện tại đang nhắm mục tiêu tại các sàn giao dịch gần quốc gia mình hơn.

Các công ty Trung Quốc chiếm khoảng 1/3, tương đương 279 tỷ USD số vốn được huy động qua IPO trên toàn cầu trong 5 năm qua. Trong đó, khoảng một nửa là IPO ở nước ngoài và chủ yếu là ở New York và Hong Kong.

Có hơn 550 công ty Trung Quốc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Các công ty Trung Quốc thường chọn New York là nơi đăng kí niêm yết vì tính uy tín và là cơ sở cho nhà đầu tư quốc tế ngay cả khi Bắc Kinh cũng tìm cách khuyến khích các công ty Trung Quốc niêm yết trong nước để chia sẻ lợi ích cho các nhà đầu tư trong nước, bên cạnh việc giám sát ở nước ngoài còn nhiều hạn chế.

“Trung Quốc khá quan tâm đến xây dựng sàn giao dịch chứng khoán của riêng mình và sẽ rất tốt nếu Alibaba niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Thượng Hải, hoặc một sàn giao dịch khác của Trung Quốc đại lục. Điều đó có nhiều khả năng xảy ra nếu họ bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch của Mỹ”, theo Jesse Fried, giáo sư luật của Harvard Law School.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ra mắt thị trường chứng khoán công nghệ kiểu NASDAQ mới mang tên “Star Market” nhằm làm kênh IPO và huy động vốn cho ngành công nghệ kỹ thuật để nâng cao tiềm năng phát triển và giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong dài hạn.

“Đối với các nhà đầu tư tại Mỹ, việc giới hạn các công ty Trung Quốc niêm yết có nghĩa sẽ có ít công ty niêm yết hơn và sẽ khó nắm bắt được lợi ích của tăng trưởng ở Trung Quốc”, theo John Ott, đối tác của Bain & Company là một nhà lãnh đạo với hoạt động dịch vụ tài chính Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã bắt đầu tiết lộ nguy cơ chịu ảnh hưởng bất lợi về giá cổ phiếu do các quy định chặt chẽ hơn.

Kingsoft Cloud Holdings Ltd, công ty Trung Quốc đầu tiên niêm yết tại New York sau vụ bê bối của Luckin Coffee đã cảnh báo, những nỗ lực tăng cường quyền truy cập pháp lý của Mỹ vào thông tin kiểm toán có thể gây ra sự không chắc chắc của nhà đầu tư đối với công ty và ảnh hưởng tới nhiều công ty phát hành khác sau đó.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục