Đâu là nội dung mà BVSC dự kiến sẽ trình ĐHCĐ, thưa ông?
Tại ĐHCĐ, BVSC sẽ thông qua kết quả kinh doanh năm 2014 với tổng mức doanh thu đạt 305,34 tỷ đồng, vượt 54,4% và lợi nhuận trước thuế đạt 131,64 tỷ đồng, vượt 46,2% so với kế hoạch. Thị phần của giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tính chung của BVSC năm 2014 đạt 4,19%, tăng trưởng 35,5% so với thị phần của Công ty năm 2013.
Với kết quả đó, BVSC đã dần khắc phục xóa lỗ lũy kế, các chỉ số tài chính về vốn khả dụng được cải thiện, để từ đó có thể thực hiện được các kế hoạch tăng vốn trong tương lai không xa, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và yêu cầu đòi hỏi của thị trường.
Công ty cũng trình xin ĐHCĐ về kế hoạch năm 2015 với 299 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận. Năm nay cũng sẽ là một năm có sự thay đổi về thành viên HĐQT do hết nhiệm kỳ và Công ty sẽ có tờ trình cụ thể về vấn đề này tại ĐHCĐ chiều nay.
Tin vui với các cổ đông là BVSC lãi 37 tỷ đồng trong quý I và đã xóa hết lỗ lũy kế. Với kết quả này ông đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch 120 tỷ đồng lợi nhuận năm 2015 như thế nào?
TTCK từ đầu năm đến nay diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi, đã ảnh hưởng chung đến hiệu quả kinh doanh của khối các CTCK. Trong bối cảnh đó, BVSC vẫn đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2014.
Con số lợi nhuận 37 tỷ đồng đã ghi nhận sự nỗ lực của BVSC và là cơ sở để Công ty tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 120 tỷ đồng của năm 2015 mà ĐHCĐ dự kiến giao phó. Với kế hoạch này, BVSC dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2015 ở mức 10% bằng tiền mặt.
Theo ông, đâu là những yếu tố hỗ trợ BVSC thực hiện các mục tiêu mà Công ty đã đặt ra năm 2015 cũng như những năm tới?
Năm 2015, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ khởi sắc hơn so với năm trước, minh chứng là GDP quý I/2015 đạt mức trên 6%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, TTCK được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất dự báo duy trì ở mức thấp và có triển vọng khả quan theo các cam kết mở cửa hội nhập.
Tiến trình cổ phần hóa DNNN và chủ trương thoái vốn Nhà nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2015, sẽ tạo cơ hội cho các CTCK nói chung và BVSC nói riêng triển khai các nghiệp vụ tư vấn cổ phần hóa, đấu giá bán cổ phần.
Hơn nữa, hiện nay tương quan P/E của TTCK Việt Nam ở mức rẻ tương đối so với các thị trường trong khu vực, lộ trình nới room ngoại cho một số ngành, đặc biệt là các CTCK sẽ tạo tính hấp dẫn thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường. Tất cả những yếu tố trên sẽ là điều kiện tốt để các CTCK hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Đối với BVSC, dựa trên thành quả của hoạt động tái cơ cấu kinh doanh của Công ty từ những năm trước, BVSC tiếp tục theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững. Các nguồn thu của Công ty chủ yếu đến từ nhiều mảng hoạt động cung cấp dịch vụ như dịch vụ môi giới và tư vấn, hỗ trợ vốn cho khách hàng, chứ không chỉ tập trung vào hoạt động tự doanh như những năm trước.
Nhiều ý kiến cho rằng, tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và sắp tới là Thông tư sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC đã và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khối CTCK. Quan điểm của BVSC?
Rõ ràng, Thông tư 36/2014 đã ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn vốn cho TTCK. Với việc thực hiện Thông tư 36/2014, nguồn vốn giải ngân cho các hoạt động đầu tư chứng khoán bị hạn chế và điều này đã ảnh hưởng tới thanh khoản của TTCK.
Tôi cho rằng, thay vì giảm đột ngột tỷ lệ cho vay để đầu tư cổ phiếu ở mức dưới 5% theo Thông tư 36/2014 thì tỷ lệ này nên điều chỉnh theo lộ trình. Với dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 210, do đang dự thảo nên chúng tôi chưa đánh giá được mức độ tác động, nhưng chúng tôi mong rằng, Thông tư 210 sẽ được sửa đổi theo hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật của các CTCK.
Năm 2015, áp lực từ môi trường kinh doanh buộc khối CTCK phải tìm cách tăng năng lực tài chính, để giảm dần sự lệ thuộc vào các nguồn vốn vay ngân hàng.
Dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2016, Chính phủ sẽ khai trương TTCK phái sinh. Ông nhìn thấy cơ hội gì từ thị trường này?
Theo dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh, CTCK muốn hoạt động tự doanh phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng, hoạt động môi giới là 800 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc tăng vốn đang là vấn đề tất yếu đặt ra đối với BVSC để đủ sức tham gia “sân chơi” mới.
Với thực tế quý I/2015, BVSC đã xóa hết lỗ lũy kế, BVSC đủ điều kiện phát hành cổ phiếu tăng vốn. Dự kiến trong thời gian tới, BVSC sẽ tăng vốn từ 722 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Mục tiêu của chúng tôi là nỗ lực tăng năng lực tài chính để đứng vững trong cạnh tranh và mang lại hiệu quả thiết thực cho các cổ đông góp vốn.