Xóa các ranh giới
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Việc ứng dụng các công nghệ mới đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong hình thức kinh doanh, sản phẩm - dịch vụ cho khách hàng, từ châu Âu, Mỹ, Úc… đến các nước châu Á.
Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số của nền kinh tế, trong đó có hoạt động ngân hàng.
Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản, quy định pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Một minh chứng cụ thể được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đó là kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021 phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Cụ thể, tính bình quân toàn ngành, nhiều mục tiêu đã tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025 như: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt hơn 87%; hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số đạt 80%; nghiệp vụ ngân hàng số hóa hoàn toàn ước đạt 55% (tính đến thời điểm hiện tại, có 17 tổ chức tín dụng đã số hóa hoàn toàn đối với các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ); khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt 49%; số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên kênh số đạt 66%...
Theo ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành MB, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi hoàn toàn hành vi của khách hàng trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả ngành tài chính - ngân hàng. Theo số liệu thống kê, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng không tiền mặt là một trong 5 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong hạng mục tài chính. Theo đó, xu hướng mới của khách hàng hiện tại là sử dụng dịch vụ ngân hàng trên đa nền tảng một cách thuận tiện, mà không nhất thiết phải trên nền tảng của ngân hàng.
Cụ thể, dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API (giao diện lập trình ứng dụng) để cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng trên nền tảng của đối tác. Việc này đảm bảo hành trình mua sắm của khách hàng dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể thanh toán hóa đơn mua hàng trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. Tương tự, các doanh nghiệp có thể quản lý các giao dịch thu/chi ngay trên phần mềm của doanh nghiệp, thay vì phải đến ngân hàng với các thủ tục, giấy tờ mất thời gian.
“Theo đó, dịch vụ của ngân hàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp với mọi loại hình kinh doanh, xóa mọi ranh giới giữa các ngành để tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng”, ông Vũ Thành Trung nói.
Hay tại BIDV, với vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết: “Công nghệ và chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược hoạt động của BIDV. Thời gian qua, BIDV đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, mà kết quả của hoạt động ngân hàng mở đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API là minh chứng”.
Liên quan tới vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc TPBank cho hay, với số lượng giao dịch khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thì chỉ cần một dấu hiệu “nằm ngang” sẽ gây thiệt hại đến hàng ngàn khách hàng. Do đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thu nhập và phân tích dữ liệu nhằm ngăn ngừa, cảnh báo sớm các giao dịch bất thường, bảo vệ khách hàng và hệ thống của ngân hàng là một mảnh ghép quan trọng trong hành trình đồng hành cùng khách hàng trải nghiệm giao dịch số một cách thuận tiện và an toàn hơn.
Sẵn sàng bước vào xã hội số, tiền tệ số
Tại Việt Nam, việc đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng ở thời điểm hiện tại là sự mạnh dạn và đổi mới tư duy, có tính đột phá theo đúng nghĩa của nó.
TS. Nguyễn Tường Vân, Trưởng Bộ môn Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng nêu quan điểm, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, không chỉ ở Việt Nam, mà trên phạm vi toàn cầu. Trong quá trình này, có rất nhiều đổi mới sáng tạo, đột phá đang diễn ra. Các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính hay Fintech (công nghệ tài chính) cũng diễn ra. Sự thay đổi quá nhanh do các đột phá, chưa có tiền lệ của công nghệ số khiến các chính sách khó có thể theo kịp. Đây là thách thức với nhiều quốc gia trên thế giới và cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời trong bối cảnh này.
Theo bà Nguyễn Tường Vân, tại Việt Nam, việc đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng ở thời điểm hiện tại là sự mạnh dạn và đổi mới tư duy, có tính đột phá theo đúng nghĩa của nó. Mọi sự đột phá, tiếp nhận công nghệ mới và khơi dậy sự sáng tạo từ con người sẽ hiện thực hóa được chiến lược quốc gia về chuyển đổi số (ban hành từ năm 2020 của Chính phủ), xác lập hệ sinh thái mới về công nghệ tài chính - ngân hàng… Cùng với công nghệ tiến bộ, điều này sẽ giảm các chi phí trong nền kinh tế (trong đó có cơ sở để cắt giảm lãi suất), mang lại kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở tầm vĩ mô và tạo nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng/khách hàng, người dân.
“Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, tạo ra môi trường tài chính số sẽ rất thuận tiện cho các bên tham gia, trong đó có cơ chế giao dịch cho vay trực tiếp từ người này qua người kia (P2P lending) và cơ chế gọi/tạo vốn cộng đồng khác... Khi đó, có thể nhận thấy vai trò quan trọng của công nghệ số đã hỗ trợ cho thị trường tài chính phát triển có chiều sâu hơn rất nhiều so với hiện nay”, bà Vân nói và cho rằng, cũng cần nhận thức rủi ro đi kèm giao dịch trên môi trường số, chẳng hạn giao dịch tiền điện tử, tiền số… Sự biến động nhanh chóng của các loại tiền điện tử là một góc độ, trong khi giao dịch qua môi trường số (P2P lending...) mà các bên tham gia đều không biết mặt nhau (không trực tiếp) cần được kiểm soát bằng cơ chế, đồng thời người tham gia cũng phải có khả năng tự kiểm soát rủi ro.
“Thời gian gần đây, các hình thức lừa đảo tiền tệ qua mạng có dấu hiệu gia tăng và được thực hiện ngày càng tinh vi hơn. Do đó, khi có cơ chế này, các giao dịch trên môi trường số sẽ trở nên an toàn hơn, quyền lợi của các bên liên quan sẽ được bảo vệ tốt hơn”, bà Nguyễn Tường Vân nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, bà Vân cho rằng, sự học hỏi và đào tạo về chuyển đổi số hay năng lực số liên quan đến tiền tệ là rất cần thiết đối với mọi công dân. Những khóa học về tiền tệ, các cơ chế hình thành tiền tệ và phát hành tiền trong bối cảnh mới cần được làm mới, bắt kịp với xu thế thế giới hơn. Hiện tại, quan điểm nghiêng nhiều về kinh doanh tiền tệ truyền thống (như các ngân hàng thương mại) có lẽ cũng cần được cải tiến theo hướng gắn với các bản chất của tiền tệ, kể cả các chức năng cơ bản của ngân hàng trung ương cũng cần được củng cố cho công dân trong thời đại số. Điều này là cần thiết, phù hợp vì với các nền tảng công nghệ “platform”, nguyên lý về ngân hàng trung ương, chính sách tiền tệ và phát hành tiền cần được hiểu một cách sâu sắc hơn, bởi vì nhiều nền tảng công nghệ hiện nay đã và đang là cơ sở cho sự ra đời của một đồng tiền mới hay các “phương tiện thay thế tiền”, theo đúng nguyên lý tiền tệ và ngân hàng trung ương.
“Do đó, các trường đại học cần bổ sung phần tiền số và ngân hàng trung ương, bao gồm tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (Central bank digital currency - CBDC) vào nội dung giảng dạy. Các bài học này sẽ phổ cập cho sinh viên để đảm bảo họ sẵn sàng bước vào xã hội số, nền tiền tệ số… theo chiến lược quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, bà Vân đề xuất.