Thành lập 3 tổng công ty thuộc VNPT
Cuối tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập 3 tổng công ty trực thuộc VNPT, gồm: Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media).
Theo đó, ngành nghề hoạt động của VNPT-Net là viễn thông có dây, không dây, vệ tinh và hoạt động viễn thông khác; sản xuất, bán buôn các sản phẩm, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trong nước và quốc tế…
VNPT-Vinaphone có vốn điều lệ 5.200 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin, truyền thông, truyền hình…
Vốn điều lệ của VNPT-Media là 2.300 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh là tổ chức nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bán buôn các sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông, truyền hình…
Thủ tướng Chính phủ cũng giao VNPT quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của các tổng công ty trên theo các quy định hiện hành.
Tách bạch các khối và hoạt động theo mô hình mới
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, trong mô hình mới, VNPT sẽ tách bạch theo từng khối, từng lĩnh vực, với ba trụ cột là 3 tổng công ty, gồm: khối hạ tầng (VNPT - NET), khối kinh doanh (VNPT - VinaPhone, chuyên phụ trách kinh doanh, bán hàng) và khối dịch vụ giá trị gia tăng (VNPT - Media, phụ trách mảng giá trị gia tăng). Các khối này sẽ hoạt động độc lập, chuyên sâu và không phụ thuộc nhau, theo đúng tôn chỉ là việc của người nào người ấy làm và sẽ đánh giá hiệu quả công việc trực tiếp từ từng khối, từng đơn vị và đến tận từng cá nhân.
“Trong mô hình mới theo nội dung tái cơ cấu, VNPT sẽ phân bổ lại nguồn lực, tài lực đúng chỗ, đúng việc, việc ai người nấy làm, không chồng chéo. Việc phân rõ trách nhiệm, phân bổ nguồn lực, tài lực như vậy sẽ làm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, quan trọng nhất của tái cơ cấu là mô hình tổ chức của VNPT sẽ trở nên nhanh, gọn, tránh việc xin - cho, tránh qua nhiều cấp trung gian”, ông Trần Mạnh Hùng cho biết.
Ngay sau khi 3 tổng công ty được thành lập, VNPT sẽ hoạt động theo mô hình mới và làm tiếp giai đoạn II là tái cơ cấu các khối công ty dọc.
Kết thúc năm 2014, giai đoạn I của tái cấu trúc VNPT là tách MobiFone khỏi VNPT, tái cấu trúc VNPT trên 63 tỉnh, thành phố theo hướng tách bạch bạch sản xuất - kinh doanh, tổ chức lại mạng lưới đã cơ bản hoàn thành.
Từ tháng 6/2014, khi Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015 được ban hành đến hết năm 2014, VNPT đã hoàn thành chuyển 17.000 lao động sang chuyên hoạt động sản xuất - kinh doanh (trong tổng số hơn 36.0000 lao động của VNPT). Nhiều đơn vị VNPT tại các tỉnh sau khi tách bạch đã hoạt động khá tốt theo mô hình mới. Đây là cơ sở, điều kiện chuẩn bị cho 3 tổng công ty bước vào hoạt động.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2015 là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông làm chủ sở hữu, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của các doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, thực hiện các công việc để hoàn thành quá trình tái cơ cấu VNPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, hoàn tất việc chia tách giữa Tổng công ty VTC và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
“Sau khi Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập 3 tổng công ty trực thuộc VNPT, Bộ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện để VNPT có thể ổn định tổ chức sớm nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, cùng với nhiệm vụ tái cấu trúc Tập đoàn VNPT, trong năm 2015 VNPT đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng trên 15% so với kết quả đạt được năm 2014.