Số liệu tổng hợp cập nhật nhất về quy mô vốn chủ hữu của khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng (Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XIV).
Còn theo Bộ Tài chính, năm 2016, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của 273 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là 495.126 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2015. Tổng số nợ phải trả là 325.335 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 424.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 31.723 tỷ đồng, tăng 54% so với số thực hiện năm 2015.
Như vậy, có thể thấy, quy mô tài sản mà Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát, quản lý là rất lớn. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giả định rằng trong quý I/2018, Ủy ban có thể ra đời thì trước mắt, cơ quan này nên đặt trọng tâm vào công tác quản trị, nhân sự, rồi mới thực hiện các phần việc tiếp theo như thoái vốn nhà nước…
Ông Cung cũng kỳ vọng những cơ chế mới, đột phá sẽ được áp dụng tại cơ quan này, chẳng hạn giám sát, quản lý vốn dựa vào các chỉ tiêu tài chính hơn là cách thức quản lý doanh nghiệp nhà nước đang được áp dụng chung chung như hiện nay. Tức là, Nhà nước sẽ đóng vai trò là một cổ đông, chứ không phải cơ quan quản lý chuyên ngành.
Theo dự kiến, vốn nhà nước tại hơn 20 doanh nghiệp lớn là các tập đoàn, tổng công ty sẽ được bàn giao về Ủy ban, do đó, công tác quản trị và cải thiện quản trị tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý vốn của Ủy ban sẽ là phần việc rất nặng nề.
“Nâng chất lượng, nâng hình ảnh, từ đó sẽ nâng được giá trị vốn nhà nước. Khi cơ quan này nắm chắc được tài sản của nhà nước là bao nhiêu mới có thể tính đến chuyện giám sát, quản lý chặt chẽ”, ông Cung nhận định.
Một trong những điểm được thị trường quan tâm nhất là cơ chế, động lực nào được thực thi để Ủy ban thực hiện tốt nhất công việc của mình bởi quản lý tài chính là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi kinh nghiệm, trình độ rất cao của đội ngũ nhân sự.
Trước đây, tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một cơ chế lương đặc thù đã được tính đến, nhưng cuối cùng không thể được áp dụng do vướng nhiều quy định pháp lý hiện hành.
Trong một cuộc trao đổi với báo giới về chủ đề này trước đây, đại diện Indochina Capital cho biết, nếu vẫn giữ cơ chế như hiện tại, áp dụng với các ngành nghề khác, tức là công chức hành chính, khó có thể tạo động lực cho các chuyên gia quản lý tài chính giỏi.
Theo đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhân sự cho Ủy ban một phần huy động từ các cơ quan tài chính, phụ trách đổi mới doanh nghiệp tại các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, bộ ngành…
Bên cạnh đội ngũ này, giới phân tích nhìn nhận, Ủy ban cần bổ sung thêm các nhân sự trẻ, có kỹ năng và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính hiện đại… Muốn thu hút được nhân tài, câu chuyện “con gà, quả trứng” lại được đặt ra.
Cũng cần nhìn nhận một thách thức lớn sẽ phải vượt qua là quá trình bàn giao vốn Nhà nước bấy lâu nay vô cùng phức tạp và không dễ thực hiện ngày một ngày hai. Với tài sản lên tới hàng triệu tỷ đồng, việc bàn giao sẽ ngốn thời gian không nhỏ, chưa kể tới việc các bên phải thống nhất được những tình huống “khó xử” phát sinh như nợ, tài sản khó thu hồi…
Nhưng dù có khó khăn đến đâu chăng nữa, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tách bạch được chức năng quản lý hành chính và chức năng quản lý vốn nhà nước là xu thế bắt buộc phải triển khai.
Một cơ chế vận hành minh bạch tại cơ quan quản lý vốn nhà nước được kỳ vọng sẽ đem đến những bước ngoặt lớn trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng và tái cấu trúc nền kinh tế đang diễn ra quyết liệt và ngày càng hiệu quả hơn.