Bước ngoặt mới của thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu. Với nền tảng hạ tầng hiện đại và kỳ vọng được nâng hạng trong năm nay, thị trường đang đứng trước bước chuyển mình quan trọng để thu hút dòng vốn dài hạn và phát triển bền vững hơn.
Tại Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức tuần qua, các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao khả năng thị trường được nâng hạng trong năm nay Tại Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức tuần qua, các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao khả năng thị trường được nâng hạng trong năm nay

Thành tựu một phần tư thế kỷ

Từ những phiên giao dịch đầu tiên khiêm tốn với chỉ 2 mã cổ phiếu, đến nay thị trường chứng khoán trở thành một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng nhất của nền kinh tế.

Tính riêng trên HOSE (chiếm gần 94% vốn hoá cổ phiếu niêm yết toàn thị trường năm 2024), tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp niêm yết đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2015. Hơn 50% số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HOSE là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Tổng giá trị vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu trong 25 năm qua đã vượt 520.000 tỷ đồng, với hơn 1.000 đợt phát hành có thu tiền. Từ năm 2005 đến nay, HOSE đã thực hiện 584 cuộc đấu giá cổ phần, bán được hơn 4.800 triệu cổ phần và hơn 130 triệu quyền mua cổ phần, thu về hơn 240.000 tỷ đồng; trong đó, có 352 đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thu về hơn 74.800 tỷ đồng cho Nhà nước.

Không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn, thị trường chứng khoán còn đóng vai trò nâng cao tính minh bạch, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng bước đưa Việt Nam hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong 10 năm qua, số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin đã giảm gần 80%, cho thấy mặt bằng tuân thủ đang được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết.

Đặc biệt, từ năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã thực hiện công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh, trong đó hơn 98% tuân thủ đúng thời hạn về báo cáo tài chính và tài liệu đại hội đồng cổ đông. Đây là nền tảng quan trọng giúp tăng cường tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài và nâng vị thế thị trường.

Gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards - VLCA) là một trong những điểm sáng nổi bật trong chặng đường phát triển 25 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, các tiêu chí chấm điểm quản trị công ty của VLCA được xây dựng ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, tỷ trọng điểm thông lệ tốt trong quản trị công ty đã lên tới 40%, tỷ trọng điểm tuân thủ giảm xuống 60%.

Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đứng top đầu khu vực Đông Nam Á

Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đứng top đầu khu vực Đông Nam Á

Một thành tựu nổi bật khác của thị trường chứng khoán là tính thanh khoản đã gia tăng mạnh mẽ. Từ khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2000 chỉ có 55.497 đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1,4 tỷ đồng, đến tháng 7/2025, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân/ngày lần lượt là hơn 1 tỷ đơn vị và 23.610 tỷ đồng.

Tuy ra đời sau thị trường chứng khoán các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực. Đặc biệt, gần đây, thị trường chứng kiến những phiên giao dịch "bùng nổ" với thanh khoản vượt qua Thái Lan, cao nhất trong các thị trường khu vực ASEAN.

Với khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn sẽ thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài hơn nữa, góp phần thúc đẩy giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường.

Kỳ vọng lớn

Chia sẻ tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7 vừa qua, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho biết, qua nghiên cứu các thị trường trong khu vực, giai đoạn mà các quốc gia này đạt mức tăng trưởng GDP hai con số và mức đầu tư trên GDP khoảng 30 - 40% - tương đồng với kế hoạch hành động của Việt Nam hiện nay - thị trường chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn nhất với hiệu suất đầu tư lên tới 5 - 10 lần. Mức định giá cũng đạt tới những ngưỡng rất cao, từ 25- 50 lần, được hỗ trợ bởi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 25 - 30%. Từ đó, có thể thấy, kỳ vọng dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn.

Theo đánh giá của Dragon Capital, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia hiện đại, đột phá về tư duy, được hỗ trợ bởi một hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận và nhất quán. Đây là một điểm rất tích cực. Khi nền kinh tế cất cánh, chứng khoán sẽ là kênh tài sản có hiệu suất đầu tư cao nhất.

Thực tế, trong 5 năm qua, thị trường Việt Nam đã tăng trưởng gần 70% và nếu nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, hiệu suất đầu tư có thể đạt mức cao hơn. Chẳng hạn, Quỹ DCDS của Dragon Capital được thành lập vào năm 2004, dù trải qua nhiều thăng trầm của kinh tế quốc tế và Việt Nam, nhưng hiệu suất hiện vẫn tăng gấp 12 lần kể từ khi ra đời.

“Như vậy, chứng khoán Việt Nam là một kênh đầu tư hết sức hiệu quả, nhưng hiện tại vẫn đang bị đánh giá chưa đúng với tiềm năng và vị thế vốn có”, bà Minh đánh giá.

Tương tự, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSIAM chia sẻ, hiện đang có nhiều quỹ đầu tư lớn của nước ngoài chỉ chờ thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và định mức tín nhiệm quốc gia ở mức investment grade (mức đầu tư) là phân bổ vốn vào.

SSIAM đang quản lý tài sản trị giá 800 triệu USD, phân bổ đều nguồn vốn vào các dải sản phẩm khác nhau, trong đó 300 triệu USD đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù nguồn vốn ngoại được đánh giá rất tiềm năng, nhưng số lượng sản phẩm dành cho nhà đầu tư nước ngoài lại ít hơn đáng kể so với tổng số sản phẩm mà SSIAM đang cung cấp.

Dù có sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ông Dũng nhìn nhận, nội lực thị trường là rất dồi dào. Tuy vậy, việc khai thông, dịch chuyển dòng tiền này vào các sản phẩm đầu tư dài hạn, cần có thời gian và lộ trình. “Tôi tin rằng điều này chắc chắn sẽ xảy ra”, ông Dũng tin tưởng.

Về dòng vốn ngoài nước, theo ông Dũng, khi thị trường được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, dòng vốn này sẽ không quá lớn, khoảng 1 - 2 tỷ USD. Dòng vốn thông qua các quỹ đầu tư khác vào khoảng 5 - 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể. Đây là các quỹ chủ động lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư, theo đó, để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin bằng tiếng Anh, thực hành ESG…

Trong khi đó, theo quan điểm của Dragon Capital, để thu hút nhà đầu tư tổ chức lớn toàn cầu, ngoài nâng hạng, cần giải quyết vấn đề room ngoại, đồng thời cần có nhiều hàng hóa chất lượng.

Một dấu mốc đáng chú ý và mang lại kỳ vọng lớn cho các nhà đầu tư với thị trường tài chính Việt Nam chính là việc công nhận tài sản mã hóa (Luật Công nghiệp Công nghệ số có hiệu lực từ 1/1/2026) và đang đẩy nhanh việc xây dựng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để quản lý rủi ro, kiểm soát dòng vốn, chống rửa tiền, tăng thu ngân sách, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn qua các mô hình mới như STO.

Chuyên gia SSIAM cho rằng, việc ra đời thị trường tài sản mã hóa không phải là cuộc “chuyển đổi” từ kênh chứng khoán sang, mà là một quá trình mở rộng loại hình tài sản để nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư.

“Cần nâng tầm thị trường chứng khoán cả về lượng và chất”

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Sau 25 năm hình thành và phát triển, từ xuất phát điểm chỉ với 2 mã cổ phiếu và vài trăm nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ghi nhận hàng trăm mã niêm yết/đăng ký giao dịch và hơn 10 triệu tài khoản nhà đầu tư. Từ chỗ phải đi vận động doanh nghiệp cổ phần hóa và niêm yết, đến nay vốn hóa thị trường đã đạt khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 60% GDP, thậm chí có thời điểm tiệm cận 75% GDP.

Bên cạnh đó, thị trường đã có nền tảng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành, góp phần xử lý tình trạng quá tải của hệ thống cũ và đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán vận hành ổn định; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý thị trường cũng ngày càng được nâng cao.

Thị trường chứng khoán từng bước khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đồng thời là "hàn thử biểu" phản ánh sức khỏe doanh nghiệp và kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đặt ra các mục tiêu phát triển lớn đến năm 2030 và 2045, thị trường chứng khoán cần có bước phát triển vượt bậc để huy động hiệu quả dòng vốn đầu tư trung và dài hạn, phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng, sản xuất - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Muốn vậy, cần phải nhận diện và tháo gỡ các điểm nghẽn để thị trường được nâng tầm cả về lượng và chất. Về kỳ vọng nâng hạng thị trường, không chỉ là câu chuyện nâng hạng thành công, mà còn phải giữ được hạng và tiếp tục được nâng hạng cao hơn trong tương lai. Việc này đòi hỏi cam kết chính sách, hành động cụ thể và bền bỉ từ tất cả các chủ thể liên quan.

“Nâng hạng không phải là đích đến cuối cùng”

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một phần tư thế kỷ phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào. Dù non trẻ hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan…, nhưng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã vượt qua Philippines, tương đương Malaysia và chỉ còn thấp hơn Thái Lan một chút. Thậm chí, trong tuần giữa tháng 7 vừa qua, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để chuẩn bị cho việc nâng hạng, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ, nhiều rào cản, điểm nghẽn đã được tháo gỡ. Đến nay, các tiêu chí cứng để nâng hạng đã đáp ứng, trong khi các tiêu chí mềm còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư… Qua các lần trao đổi này, các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện thái độ tích cực, đánh giá cao khuôn khổ pháp lý và mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ hôm 17/7, đại diện FTSE Russell (thuộc Sở Giao dịch chứng khoán London) đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang được xem xét nâng hạng.

Có thể nói, những cải cách đã và đang triển khai trong tiến trình nâng hạng đã mang lại lợi ích rõ rệt cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường.

Tuy nhiên, việc nâng hạng, nếu đạt được trong tháng 9 tới, là kết quả đáng khích lệ, nhưng đây không phải đích đến, mà là bước đệm cho mục tiêu dài hạn là xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và hấp dẫn dòng vốn dài hạn.

Về việc phát triển nhà đầu tư tổ chức, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tham mưu, dự thảo xong Đề án phát triển nhà đầu tư tổ chức và chuẩn bị trình Bộ Tài chính ban hành sớm, có thể ngay trong tháng này.

Tại Đề án, cơ quan quản lý đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành quỹ, bao gồm chương trình đào tạo nhà đầu tư để thay đổi ý thức đầu tư, từ ngắn hạn sang đầu tư dài hạn, có kế hoạch đầu tư tài chính bài bản; trên cơ sở tham khảo nhiều quốc gia có chiến lược quốc gia về đào tạo đầu tư tài chính cho dân cư.

Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trương phải tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm ngành quỹ. Từ thực tế dân số Việt Nam có nhiều độ tuổi với khẩu vị đầu tư khác nhau nhưng sản phẩm ngành quỹ hiện nay còn đơn điệu nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư. Đồng thời, đề xuất thay đổi quy định pháp lý liên quan đến các loại sản phẩm, các loại chỉ số để hình thành các quỹ, kể cả quỹ chủ động và quỹ thụ động.

“Nhiều điểm nghẽn đã được tháo gỡ cho nhà đầu tư nước ngoài”

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC)
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC)

Cơ quan quản lý và các tổ chức vận hành thị trường đang chuẩn bị từng bước để đưa vào vận hành công ty thực hiện cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trực thuộc VSDC. Cơ chế này cho phép nhà đầu tư không cần hoặc chỉ cần ký quỹ một phần nhỏ trước khi đặt lệnh giao dịch.

Theo lộ trình triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở vừa công bố chính thức vào trung tuần tháng 7/2025, mục tiêu chính thức triển khai CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở vào quý I/2027.

Hiện tại, hệ thống công nghệ KRX đã chính thức đi vào vận hành, ngoài hỗ trợ xây dựng và vận hành cơ chế CCP, về dài hạn, nền tảng công nghệ này cũng chuẩn bị cho các nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, thực hiện các cơ chế về bán khống. Khi các điều kiện khác cũng sẵn sàng, các nghiệp vụ mới có thể được triển khai. Đây là lộ trình cơ quan quản lý và tổ chức vận hành thị trường đang thực hiện, qua đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường trong nước.

Cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường cũng đã chuẩn bị tất cả các công việc cho mục tiêu nâng hạng. Theo đánh giá của VSDC, kỳ đánh giá tháng 9 của FTSE Russell là thời điểm Việt Nam có thể được nâng lên hạng thị trường mới nổi thứ cấp. Thông thường, với các chuẩn mực đầu tư ở nước ngoài, các quỹ đầu tư quốc tế phân bổ hạn ngạch nhất định theo mức độ rủi ro. Thị trường càng được xếp hạng cao, mức đầu tư càng lớn. Do vậy, việc nâng hạng sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn từ các định chế tài chính lớn trên thế giới.

Bên cạnh yếu tố hạ tầng, về mặt pháp lý, Thông tư 68/2024/TT-BTC là bước tháo gỡ ban đầu, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tạm thời không cần ký quỹ trước khi đặt lệnh. Cùng đó, cơ chế kiểm tra số dư giữa ngân hàng lưu ký nước ngoài và công ty chứng khoán trong nước khi đặt lệnh cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được triển khai.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp để tạo điều kiện thông thoáng hơn trong việc cấp tài khoản tiền gián tiếp. Đồng thời, các bên cũng đã tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là việc cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài bằng hình thức trực tuyến.

Một trong những yếu tố then chốt nhà đầu tư quan tâm là việc xây dựng nguồn hàng hóa đủ lớn và có chất lượng tốt. Đây cũng chính là một trong những điểm nghẽn của thị trường hiện nay, nhất là khi quy mô thị trường mở rộng và dòng vốn lớn tìm đến, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các cổ phiếu mới, có chất lượng. Theo đó, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối. Cùng đó, cần thực hiện lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn để tạo ra nguồn cung hàng hóa mới, hấp dẫn hơn cho thị trường.

Đồng thời, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn tư nhân phát triển bền vững và sớm tiếp cận thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn. Qua đó, hình thành một kênh dẫn vốn lớn cho khu vực kinh tế tư nhân. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng nên cân nhắc xem xét theo hướng cho phép được chuyển đổi thành công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước đây, đã thí điểm cho một số doanh nghiệp FDI lên sàn, nay cần hoàn thiện chính sách và tạo điều kiện để nhóm doanh nghiệp này niêm yết và huy động vốn.

Hải Vân - Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục