
Ông Dũng cho biết, thị trường chứng khoán đã phát triển về quy mô, thanh khoản, chất lượng hàng hoá đã từng bước cải thiện. Trong đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ và hợp pháp hóa lãnh sự.
Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 17/2024/TT-NHNN đang được lấy ý kiến rộng rãi với nhiều nội dung cải cách; đẩy mạnh số hóa thủ tục chứng khoán, từ cấp phép đến giám sát thị trường, nhằm nâng cao minh bạch, tự động hóa và giảm thời gian xử lý hồ sơ. Đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá nâng hạng thị trường.
Về thị trường ngoại hối, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đáp ứng nhu cầu bảo vệ giá trị đầu tư dài hạn. Và với hệ thống giao dịch chứng khoán KRX chính thức vận hành từ tháng 5/2025, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai lộ trình đưa cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) vào hoạt động từ đầu năm 2027, tăng cường an toàn và minh bạch cho giao dịch thị trường.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Sở đang làm việc với FTSE Russell - đơn vị thành viên của Tập đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSEG) để trao đổi về tiến độ cải cách, định hướng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thị trường vốn.
Cũng theo ông Dũng, để đảm bảo thị trường minh bạch, thu hút nhà đầu tư và chuẩn bị quá trình nâng hạng, thị trường chứng khoán cần sự chung tay của các thành viên thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt vai trò của thành viên độc lập. Trong đó, Việt Nam đã đạt nhiều tiêu chí, hiện nay vẫn còn rào cản như minh bạch, công bố thông tin và cơ chế quản trị doanh nghiệp.
“Hai điểm mà nhà đầu tư quan tâm là hàng hoá của thị trường chứng khoán và quản trị doanh nghiệp. Hiện hàng hoá đang được cải thiện, còn về quản trị, Sở nhận định cần tăng cường nâng cao tính minh bạch, đảm bảo lợi ích cổ đông thiểu số, cân bằng quyền lực trong Hội đồng quản trị giữa thành viên Hội đồng quản trị độc lập và thành viên điều hành”, ông Dũng đặt vấn đề.
![]() |
Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital. |
Nói thêm tầm quan trọng của thành viên Hội đồng quản trị độc lập, dưới góc nhìn của nhà đầu tư tổ chức, ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, hầu như các công ty lớn ở Việt Nam đều là các công ty thế hệ đầu tiên, nên thách thức lớn là làm sao để chuyển từ thế hệ đầu tiên sang thế hệ tiếp theo. Để làm vậy, theo ông Dominic, cần thu hút, đãi ngộ và giữ nhân tài, đây là lý do có giá trị bằng vàng nếu chọn mô hình công ty đại chúng.
"90% đầu tư không hiệu quả do mình chưa hiểu rõ mô hình quản trị tại công ty đầu tư. Tuy nhiên, gần đây các quy định về mô hình quản trị ngày một rõ ràng và được thực hiện tốt hơn tại Việt Nam”, ông Dominic nhìn nhận.
Để nâng cao chất lượng và tiến tới nâng hạng, ông Dũng cũng chia sẻ thêm, Sở đã và đang triển khai một số nhóm giải pháp cải thiện, bao gồm phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để rà soát chuẩn quy định niêm yết; đào tạo thành viên và chia sẻ kinh nghiệm quản trị của các nước tiên tiến; phát triển thêm các sản phẩm, đặc biệt sản phẩm phái sinh.
Bên cạnh các doanh nghiệp hiện hữu, lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cũng chia sẻ thêm, qua khảo sát, hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… mong muốn được niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Năm 2025, đây sẽ là năm bản lề để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi”, ông Dũng nhấn mạnh thêm.
Trước đó, trong Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, kỳ đánh giá tháng 3/2025 của Russell tiếp tục cho thấy khả năng Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi đã ở rất gần. FTSE đã đề xuất Việt Nam cần thiết lập các cơ chế hiệu quả hơn tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những điểm FTSE nhấn mạnh là việc mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài cần trở nên thuận tiện, minh bạch hơn, giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn Việt Nam.
Trước những yêu cầu đó, cuối tháng 4/2025 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 18/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC; Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2025/TT-NHNN quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó, tháng 11/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, đồng thời chính thức đưa vào vận hành hệ thống KRX từ tháng 5/2025.
“Nếu FTSE Russell đánh giá nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi cận biên, dòng vốn khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ theo dõi FTSE Emerging Market Index, đồng thời tăng tín nhiệm thị trường và thu hút nhà đầu tư trung, dài hạn trong nước, nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, Chứng khoán Rồng Việt dự báo.