Bước ngoặt FDI

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam vừa kết thúc chặng cuối cùng trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng những tín hiệu vui. Một chặng đường mới lại đang tiếp tục mở ra, mà ở đó, có thể có những bước ngoặt mang tính lịch sử…
Tập đoàn Samsung khánh thành Trung tâm R&D tại Việt Nam, với quy mô 220 triệu USD Tập đoàn Samsung khánh thành Trung tâm R&D tại Việt Nam, với quy mô 220 triệu USD

Niềm vui ngày cuối năm

Dù chưa thật trọn vẹn, bởi tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021, song niềm vui về một năm thành công trong thu hút FDI vẫn còn đó. Niềm vui đến từ mức giải ngân kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

“Đây là lần đầu tiên, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân lại tiệm cận nhau như vậy. Bình thường, vốn giải ngân chỉ bằng khoảng 60 - 70% vốn đăng ký”, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy.

Chia sẻ về một năm thu hút FDI đầy khó khăn, mà ngay chính UNCTAD cũng dự báo rằng, dòng đầu tư toàn cầu sẽ đi xuống hoặc đi ngang trong năm 2022, ông Đỗ Văn Sử cho biết, những tháng đầu năm, rất lo lắng khi FDI, đặc biệt là FDI đăng ký mới sụt giảm mạnh, nhưng 6 tháng cuối năm, tình hình đã được cải thiện.

Sự sụt giảm của vốn FDI đăng ký mới đã vào trong cả báo cáo mà Chính phủ trình lên Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn bày tỏ mối lo về việc Việt Nam đã chưa tận dụng được cơ hội mà dòng vốn dịch chuyển đem lại. Vốn đăng ký mới giảm, có thể sẽ ảnh hưởng tới vốn giải ngân và cả năng lực sản xuất của nền kinh tế trong những năm tới.

Nhưng rồi, nỗi lo đã vơi bớt, khi càng về cuối năm, vốn FDI đăng ký mới càng được cải thiện. Số lượng dự án đăng ký mới cũng tăng nhanh, đạt 2.036 dự án, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Như vậy, việc vốn FDI đăng ký mới giảm mạnh chủ yếu là do năm nay, ít dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Lớn nhất, có lẽ là Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh, vốn đầu tư gần 2 tỷ USD…

Nỗi lo vơi, thì niềm vui sẽ đến. Vui nhất có lẽ là việc Tập đoàn Samsung đã chính thức khánh thành Trung tâm R&D tại Việt Nam, với quy mô 220 triệu USD. Mà quan trọng, theo chia sẻ của ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, Samsung sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu.

“Samsung sẽ tăng cường lực lượng nghiên cứu của Trung tâm R&D để các sản phẩm và dịch vụ được phát triển tại Việt Nam có thể được đưa đến với người tiêu dùng trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á như hiện nay”, ông Roh Tae-Moon nói.

Đó thực sự là một tin mừng. Không chỉ xây một trung tâm R&D quy mô lớn, mà tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới còn có kế hoạch biến Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược về R&D, bên cạnh việc đang là cứ điểm sản xuất toàn cầu. Đây chính là điều mà Việt Nam đã mong muốn và chờ đợi từ lâu.

Bước ngoặt FDI

Việt Nam đón tin mừng trong thu hút FDI đúng vào thời điểm hành trình 35 năm thu hút FDI vừa kết thúc. 35 năm trước, ngày 31/12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài - một dự luật lịch sử - đã chính thức được ban hành, mở ra một chân trời mới cho Việt Nam trong thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Nguồn lực đó đã góp phần quan trọng tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế, qua đó đưa kinh tế Việt Nam có được những thành tựu quan trọng sau 35 Đổi mới ngày hôm nay.

Lũy kế trong 35 năm qua (cập nhật đến 20/12/2022), Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Những đóng góp đó sẽ còn lớn hơn nữa, khi “bước ngoặt” mới trong thu hút FDI của Việt Nam ngày càng được định hình rõ nét.

Tính riêng năm 2022 và chỉ tính riêng xuất nhập khẩu, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp tới 522 tỷ USD trong tổng thương mại hàng hóa hơn 700 tỷ USD của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 274,1 tỷ USD...

Trong một báo cáo mới đây, Savills Việt Nam nhấn mạnh sức hút đầu tư trong những ngành sản xuất giá trị cao của Đông Nam Á và Việt Nam. Theo Savills, so với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. “Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Mỹ đầu tư vào Việt Nam”, ông Dominic Harding, Phó chủ tịch, kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới của Savills Hoa Kỳ nói.

Không chỉ doanh nghiệp Mỹ, những năm gần đây đã ghi nhận bước chuyển tuyệt vời của Việt Nam trong thu hút các dự án công nghệ cao. Ngân hàng HSBC nhận định rằng, Việt Nam đang chuyển mình thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới.

Nhận định này là có cơ sở, khi Samsung, LG, rồi hàng loạt đối tác sản xuất lớn của Apple như Goertek, Foxconn, Pegatron… đã dốc hàng tỷ, hàng chục tỷ USD để mở các cơ sở sản xuất lớn tại Việt Nam.

Chỉ trong năm 2022, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn.

Chẳng hạn, Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn 2 lần, 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng vốn trên 841 triệu USD… Hay dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng, tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…

Mới đây, Tập đoàn Compal, sau khi hồi sinh thành công dự án 500 triệu USD ở Vĩnh Phúc, đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử, trong đó có đồng hồ thông minh, máy tính bảng với tổng mức đầu tư 260 triệu USD tại Thái Bình. Nhiều nguồn tin cho biết, rất có thể, Compal cũng sẽ sản xuất các sản phẩm của Apple tại nhà máy này.

Những dự án công nghệ cao đó đã góp phần quan trọng “nâng chất” dòng vốn FDI tại Việt Nam. Chất lượng dòng vốn càng cao hơn nữa, khi năm 2022 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng: Tập đoàn LEGO chính thức khởi công dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là một dự án “xanh”, không chỉ góp phần xanh hóa dòng vốn FDI, mà còn xanh hóa nền kinh tế.

Một cái kết đẹp cho hành trình 35 năm thu hút FDI của Việt Nam, để bắt đầu mở ra một chương mới, một thời kỳ mới trong hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Hợp tác sẽ thành công, bởi năm 2022, không chỉ Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài mới đã được phê duyệt, mà còn hàng loạt cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này đã được ban hành, bao gồm cả cơ chế ưu đãi đặc biệt, và tới đây, sẽ là các tiêu chí để sàng lọc dự án đầu tư, đánh giá hiệu quả FDI…

Hơn thế, hôm tới tham dự Lễ khánh thành Trung tâm R&D của Samsung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương của Việt Nam tiếp tục phát huy phương châm làm việc “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

“Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, thực hiện thì phải có hiệu quả. Hiệu quả là phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, ngày càng phát triển, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và tất cả các bên cùng thắng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng nói.

Thông điệp đó chắc chắn sẽ tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sang năm 2023, hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công của Việt Nam trong thu hút FDI…

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục