Vốn FDI vào Đồng Nai giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai trong năm 2022 giảm mạnh, tụt lại khá xa so với các địa phương lân cận.
Vốn FDI vào Đồng Nai giảm sâu

Không chỉ giảm sâu, điều đáng lo ngại là các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp đang dần vắng bóng nhà đầu tư ngoại.

Lần đầu rớt khỏi nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI

Lần đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại đây, Đồng Nai đã rớt khỏi nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho thấy, tính đến ngày 20/10/2022, tỉnh thu hút được 997 triệu USD vốn FDI, gần đạt mục tiêu của tỉnh đề ra cho cả năm 2022 là thu hút khoảng 1,1 tỷ USD vốn FDI.

Dù vậy, so với các địa phương lân cận như Bình Dương (10 tháng năm 2022, thu hút FDI 2,7 tỷ USD), TP.HCM (tính đến ngày 20/10 thu hút 3,42 tỷ USD), thì Đồng Nai đã tụt lại khá xa.

Lý giải về kết quả thu hút FDI khá khiêm tốn của Đồng Nai, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, vốn FDI vào tỉnh năm nay không có sự bứt phá là do thiếu quỹ đất công nghiệp với diện tích 5-10 ha để doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất.

“Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu muốn triển khai các dự án lớn tại Đồng Nai, nhưng tỉnh lại thiếu quỹ đất đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các khu công nghiệp mới đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng”, ông Cường lý giải.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn lớn như Aeon, De Heus, Pandora… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đồng Nai. Việc các tập đoàn lớn tìm đến Đồng Nai là điều dễ hiểu bởi vì địa phương này có lợi thế rất lớn vì có sân bay quốc tế Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2025) và gần với cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hơn nữa, một loạt dự án hạ tầng đang chuẩn bị được đầu tư như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 TP.HCM, nên rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.

Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất diện tích lớn, nên Đồng Nai đã “đánh rơi” hàng tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp. Đây là điều rất đáng tiếc, bởi vì ban đầu, Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã dự tính đặt nhà máy ở Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành, song không tìm được quỹ đất đủ lớn, nên tập đoàn này quyết định chuyển đến Bình Dương đầu tư.

Với con số thu hút FDI gần cán đích, đến hết năm 2022, Đồng Nai vẫn có thể đạt được mục tiêu thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI, song điều đáng lo ngại là các dự án ngoài khu công nghiệp năm nay vắng bóng các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại đang rót vốn khá lớn vào các lĩnh vực ngoài khu công nghiệp ở Bình Dương, TP.HCM.

Nỗ lực gỡ vướng

Ông Chien Chih Ming, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp của Đài Loan đang quan tâm và muốn mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics tại Đồng Nai. Nhưng khi tìm hiểu, doanh nghiệp thấy còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề đất đai và thủ tục đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, nguyên nhân khiến nhà đầu tư FDI chưa đầu tư vào các lĩnh vực ngoài khu công nghiệp do sự chồng chéo trong các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng… Thậm chí, nhiều dự án ngoài khu công nghiệp đã được cấp phép cũng phải tạm dừng vì các vướng mắc liên quan đến luật, nghị định, thông tư vượt quá thẩm quyền của tỉnh.

Trong bối cảnh thu hút FDI vào Đồng Nai đang tụt lại khá xa so với các tỉnh lân cận, tỉnh Đồng Nai đang gấp rút phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập các khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng, Đồng Nai sẽ có thêm khoảng 7.000 ha đất công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư lớn.

Nói về định hướng thu hút FDI của Đồng Nai trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ chọn lọc kỹ lưỡng để thu hút các dự án chất lượng cao. Vì chọn lọc dự án, nên có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh, nhưng về lâu dài, việc này sẽ đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu Đồng Nai cứ chậm trễ trong việc xây dựng các khu công nghiệp mới thì sẽ mất cơ hội và thu hút FDI sẽ còn tụt lại trong những năm tới.

Anh Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục