“Bước chân thần tốc” của đại gia công nghệ

Tiếp nối Facebook, Google, những “gã khổng lồ công nghệ” như Alibaba, Tencent, Booking, Agoda… đã có những động thái thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Không phải ngẫu nhiên, mà việc tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba đến Việt Nam, mang theo hệ sinh thái của Alibaba “đánh sâu” vào thị trường Việt Nam được CLB Phóng viên Nhà báo ICT bình chọn là 1 trong 10 sự kiện ICT nổi bật trong năm 2017.

Ngoài Alibaba, trên “chuyến bay” 2017 vào thị trường Việt Nam, ở hàng ghế VIP đã kín chỗ những đại gia công nghệ mang theo nhiều toan tính, kỳ vọng thâm nhập thị trường màu mỡ này.

Khối ngoại gia tăng thâu tóm thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam với hơn 93 triệu dân, được đánh giá sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025, là “miếng bánh thơm phức” mà các đại gia công nghệ không thể bỏ qua.

Năm 2016, Alibaba đã bỏ hơn 1 tỷ USD để thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Theo iPrice  - Công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tổng hợp, tại Việt Nam, Lazada có tỷ lệ truy cập mua hàng đứng đầu với 19%. Tiếp theo đó là Thế giới di động (15%), Sendo (11%), Tiki (8%), Vật Giá (6%).

Nhưng dường như, Alibaba chưa muốn dừng lại đó. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Alibaba đang có những động thái muốn mua lại Sendo.vn. Dĩ nhiên, nếu thương vụ này thành công, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ “lệch” về Alibaba.

Một đối thủ nặng ký khác là Tencent cũng tranh đua không kém cạnh chút nào. Tại Việt Nam, trang thương mại điện tử Shopee của Tencent chính thức gia nhập thị trường vào tháng 8/2016.

Đến thời điểm hiện nay, mỗi tháng, Shopee có khoảng 2,7 - 3,6 triệu đơn hàng, tương đương 100.000 đơn hàng/ngày, bám sát sao Lazada.

Garena - doanh nghiệp mà Tencent đang nắm cổ phần chi phối, vốn chỉ hoạt động trong lĩnh vực game giờ đã mở rộng vùng phủ sóng với động thái tiếp tục thâu tóm các trang thương mại điện tử của Việt Nam.

Năm 2017, Sea (Garena đổi tên) đã mua lại 82% cổ phần Foody.vn với giá 64 triệu USD.

Chưa hết, Tencent cũng “ghi dấu ấn” trong thương vụ đầu tư vào Tiki.vn mới đây, thông qua công ty thành viên là JD.com (vốn là đối thủ của Alibaba trong thương mại điện tử). Tiki đang xếp hạng 4 trong số các trang web có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam.

Dưới sức nóng của Alibaba và Tencent, đại gia thương mại điện tử số 1 thế giới là Amazon cũng bắt đầu “đặt vé” bay vào thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, đầu tháng 12/2017, Hiệp hội đã có buổi trao đổi với đại diện của Tập đoàn Amazon về một số quan tâm của Tập đoàn này với thị trường Việt Nam.

Trước đó, cuối tháng 10/2017, Amazon Web Services (AWS), một công ty con thuộc Amazon đã chính thức mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Còn vào tháng 7/2017, Amazon đã khai trương dịch vụ Prime Now tại Singapore và đang có động thái mở rộng cung ứng hàng hoá tại các nước ASEAN. Trong hành trình đó, Việt Nam chắc chắn được xem là “điểm dừng chân” lâu dài của Amazon.

Trong khi các đại gia thương mại điện tử lớn nhất thế giới như Alibaba, Amazon, Tencent đang có những “bước chân thần tốc” để giành thị phần tại Việt Nam thì các trang thương mại điện tử của doanh nghiệp nội dường như vẫn lê bước chậm chạp, bị lép vế, thậm chí “tử vong” không kèn không trống như Deca, beyeu… hoặc chấp nhận “bán mình” cho các ông lớn.

“Chúng ta đã mất những sàn thương mại điện tử lớn chi phối được thị trường về tay nước ngoài. thương mại điện tử Việt Nam đã thua trên sân nhà”, ông Lê Thiết Bảo, Giám đốc bán lẻ đa kênh (OmniChannel) của Nguyễn Kim chua xót thừa nhận.

“Đại gia” Trung Quốc gia tăng thâu tóm thanh toán điện tử

Trở lại với chuyến thăm của Jack Ma, Alibaba không chỉ ngắm thương mại điện tử, mà còn muốn thâu tóm mảng thanh toán điện tử (thanh toán điện tử) tại Việt Nam.

Trong “chuyến bay” tới Việt Nam đầu tháng 11/2017, Jack Ma đã “xách tay” Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Alibaba và chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas). Với việc ký kết này, Alibaba đã chính thức “đặt chân” vào thị trường thanh toán điện tử Việt Nam.

“Bước chân thần tốc” của đại gia công nghệ ảnh 1

Tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba đến Việt Nam tháng 11/2017.

Trong một động thái khác, tỷ phú Jack Ma đã bày tỏ kế hoạch chi 1,5 tỷ USD đầu tư vào Grab, ứng dụng gọi xe trực tuyến hiện đang “làm mưa, làm gió” tại Việt Nam.

Trước đó, Alipay đã hợp tác với Grab thông qua việc cho phép các du khách Trung Quốc đến thăm Singapore và Thái Lan có thể thanh toán với Grab bằng Alipay từ tháng 6/2016. Điều này cho phép các du khách Trung Quốc có thể thoải mái thanh toán bằng đồng nhân dân tệ mà không phải lo lắng về chuyển đổi ngoại tệ.

Không hề thua kém trong mảng thanh toán điện tử, đối thủ của Alibaba là Tencent cũng đã có những động thái khá quyết liệt. Con đường mà Tencent nhắm tới là thông qua thâu tóm thanh toán điện tử để đặt chân vào thanh toán điện tử bằng sản phẩm WeChatPay.

Ứng dụng thanh toán của Tencent sẽ thâm nhập vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và mở rộng sang lĩnh vực tài chính sau khi đã “chắc chân” tại thị trường Việt Nam. Riêng Wechat Pay sẽ bám theo dấu chân của hàng triệu khách du lịch tới Việt Nam mỗi năm.

Những động thái thâm nhập thị trường cùng với thực tế xảy ra ở châu Âu, ASEAN, một số nước châu Phi đã khiến các ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam không khỏi lo ngại Alibaba và Tencent sẽ thâu tóm, lũng đoạn thị trường tài chính Việt Nam.     

Cơ cấu doanh thu ngành ICT năm 2017:

Tổng toàn ngành thông tin và truyền thông đã đạt 2.136.191 tỷ đồng.Trong đó: 

 Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 1.723.500 tỷ đồng.

 Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông ước đạt 352.198 tỷ đồng. 

Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng.

Tổng doanh thu trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 18.933 tỷ đồng. 

Tổng Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng.

Tổng lĩnh vực bưu chính ước đạt 20.148 tỷ đồng.

(Báo cáo tổng kết năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

“Hãy tưởng tượng, WeChatPay hoặc Alibaba, thậm chí cả hai, rót vài chục triệu USD vào thị trường tài chính Việt Nam, chấp nhận bù lỗ để đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, thậm chí sẵn sàng không thu phí tất cả các dịch vụ về thanh toán trong 2 - 3 năm đầu tiên.

Khi đó, hoạt động thanh toán tại Việt Nam sẽ ra sao? Số tiền 10 triệu USD hay 100 triệu USD đối với WeChatPay hay Alibaba không phải vấn đề lớn để các công ty này thâu tóm thị phần Việt”, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank lo ngại.

“Alipay và WeChatPay đều là các công ty lớn, tiềm lực tài chính mạnh và đã có kinh nghiệm triển khai thanh toán thành công tại Trung Quốc.

Trong khi đó, thanh toán điện tử tại các nước ASEAN đang còn rất mới mẻ, vì thế, khả năng Alipay và WeChatPay được phép triển khai dịch vụ thanh toán nội địa có cơ hội chiếm lĩnh và chi phối thị trường thanh toán khá cao.

Do đó, các công ty trong nước có lý do để lo ngại khi thị trường thanh toán và dịch vụ tài chính nội địa - vốn là lợi thế của mình rơi vào tay các công ty nước ngoài”, ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc công ty MPOS Việt Nam nhận định.

Tuột mất “miếng bánh lớn” trong du lịch trực tuyến

Không chỉ lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử, năm 2017 cũng là năm ghi dấu ấn “thất trận” của khối du lịch trưc tuyến nội trước sự giành giật thị trường mạnh mẽ của khối ngoại.

Hiệp hội Thương mại điện tử cho hay, đến cuối năm 2017, đặt phòng trực tuyến thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, Hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. 

Trong khi đó, hiện chỉ có trên 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn, nhưng cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.

Lấy ví dụ như Agoda, đã có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam. Booking cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác. Ước tính, những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Agoda, Booking “kiếm” được 4.000-5.000 tỷ đồng/năm từ thị trường Việt Nam. 

Google và Temasek Holdings cũng đưa ra dự đoán, thị trường du lịch trực tuyến ở ASEAN sẽ đạt doanh thu 90 tỷ USD vào năm 2020, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 10%, tương đương 9 tỷ USD.

Đáng chú ý, 85% dòng tiền sẽ được chảy vào dịch vụ đặt phòng khách sạn và vé máy bay. Chính vì vậy, nếu không có sự thay đổi nhanh, chiến lược đúng, thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam cũng sớm vào tay khối ngoại.

Liên kết để sống sót

Trong ngành nội dung số, doanh nghiệp Việt Nam đang giữ được khoảng 45 - 50% thị phần  trong tổng doanh thu nội dung số có trị giá khoảng 1,1 tỷ USD/năm. Con số khoảng 600 triệu USD này đến từ các doanh nghiệp như VNG, VTC, VCCorp.

Tuy nhiên, trong một số mảng đang hot, khối ngoại lại chiếm ưu thế. Tới 95% thị phần mạng xã hội thuộc về Facebook, YouTube; 98% thị phần công cụ tìm kiếm thuộc về Google; mảng thư điện tử với 98% thuộc về Gmail,Yahoo; 80% thị phần thương mại điện tử doanh nghiệp nước ngoài.

Với quảng cáo trực tuyến, hai mạng xã hội lớn nhất là Facebook và YouTube đã chiếm tới 80% với doanh thu 400 triệu USD/năm. Các doanh nghiệp, chuyên gia cũng dự báo rằng, “cuộc chiến” sắp tới sẽ xoay quanh các nền tảng của Facebook hay Google, hay những ứng dụng như Uber, Grab.

Đơn cử, chiến lược của Uber sắp tới sẽ không chỉ là giao thông, vận chuyển, mà còn mở rộng ra nhiều dịch vụ trực tuyến như bán vé máy bay trực tuyến, bán phòng trực tuyến, du lịch trực tuyến, ẩm thực trực tuyến và trở thành mối đe doạ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.

Hay như Facebook sẽ phát triển thành báo chí, truyền hình và lấy nốt 20% thị phần quảng cáo trực tuyến còn lại.

Ông Lương Hoài Nam, đồng sáng lập Gotadi.com khẳng định, để tồn tại và phát triển  các doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác, bắt tay, kết nối với nhau để phát triển và cạnh tranh.

“Tại sao chúng ta không ngồi lại, chia sẻ để cùng bán quảng cáo, thay vì quảng cáo chạy sang Google, Facebook. Liên minh sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền trên báo chí là rất cần thiết.

Không lập liên minh như vậy sẽ không chống đỡ được các trận sóng lớn từ nước ngoài”, ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nói.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, cần có sự nới lỏng trong chính sách quản lý ở lĩnh vực nội dung số. Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có dư địa để phát triển.

Đồng thời các doanh nghiệp trong nước có thế mạnh về nội dung, nền tảng công nghệ, cung cấp hạ tầng công nghệ, liên kết với nhau cùng phát triển.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục