Từ những chính sách xây dựng hạ tầng…
Sau 44 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bộ mặt của đô thị lớn nhất đất nước đã có những thay đổi lớn nhờ bước tiến của sự phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị và đóng góp của các đại dự án bất động sản lớn trên khắp địa bàn Thành phố.
Trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hình thành các khu đô thị mới, TP.HCM đã huy động rất nhiều nguồn lực để thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo các khu đô thị hiện hữu giúp thành phố phát triển đồng bộ và bền vững, bởi lẽ, người dân có an cư thì thành phố mới phát triển.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Thông (Thủ Đức), một cựu chiến binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho biết, so với trước đây, TP.HCM đã thay đổi và phát triển rất nhiều, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối vùng.
Cụ thể, sau ngày giải phóng, Sài Gòn chỉ có một vài quận ở khu trung tâm có đường tốt, còn ở các cửa ngõ ra ngoại thành chưa phát triển gì. Tuyến Xa lộ Hà Nội lúc đó mỗi bên chỉ có 2 làn xe, nhưng thời điểm ấy thấy rộng thênh thang. Nhưng hiện nay, tuyến đường này đã được mở rộng nhưng vẫn ùn tắc mỗi dịp cao điểm, điều này cho thấy khu vực này đã thu hút rất nhiều người dân về sinh sống.
“Hơn 20 năm về trước, từ trung tâm muốn qua sông Sài Gòn về Đồng Nai, Bình Dương phải qua những chiếc phà cũ kỹ mà giờ là những cây cầu hiện đại Sài Gòn, Bình Triệu, Rạch Chiếc, Đồng Nai. Suốt nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, do kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp, Thành phố chỉ tập trung cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu, đường để đảm bảo lưu thông an toàn, còn những công trình giao thông lớn rất ít được xây dựng”, ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông: “Hệ thống giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận khi ấy cũng chưa được đầu tư nhiều. Lúc đó, từ Sài Gòn đi Cần Thơ mất nguyên cả một ngày. Từ nội thành ra hết thành phố mất vài tiếng đồng hồ vì đường xấu, rồi qua phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ chờ thêm mấy tiếng đồng hồ nữa”.
Khi công tác phát triển hạ tầng được quan tâm đầu tư, như các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, đường Xa lộ Hà Nội, hay Quốc lộ 13... khiến cho nền kinh tế của khu vực này phát triển nhanh, nhiều tòa nhà cao tầng được mọc lên, di chuyển từ quận này sang quận khác rất dễ dàng.
“Cách đây 10 năm, khi Đại lộ Phạm Văn Đồng chưa được xây dựng, đường Kha Vạn Cân này phải chịu tải cho hàng ngàn người, có những lúc cao điểm kẹt xe hàng tiếng đồng hồ mới đi được, nhưng sau khi tuyến đường này được xây dựng, mở rộng giúp cho giao thông thoáng hơn, kinh tế người dân từ đó cũng phát triển”, ông Thông vui vẻ nói.
Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé được xây dựng, cải tạo giúp cho bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay
Là người làm nghề buôn bán ở chợ Bà Chiểu, ông Vũ Trung (quận Bình Thạnh) cho biết, thời trước làm nghề buôn bán rất khó khăn bởi phương tiện đi lại không thuận tiện như bây giờ. “Ngày xưa, những lúc qua Chợ Lớn lấy hàng thường bị nhét trên những chiếc xe lam 3 bánh cũ kỹ. Có khi nhét quá nhiều khách phía sau khiến đầu chiếc xe bị nhấc lên làm mấy người té xuống. Giờ thì khác, Sài Gòn đã đổi thay rất nhiều”, ông Trung nhớ lại.
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng kết nối vùng, TP.HCM cũng đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, cải thiện chất lượng sống cho người ven kênh rạch dân như Dự án cải thiện vệ sinh môi trường nước và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm...
Trở lại quận 4 và quận 8, nơi từng được xem là có nhiều khu ổ chuột nằm ven kênh rạch nhất Thành phố, hiện tại điều mà phóng viên chứng kiến được là hệ thống kênh rạch đã được cải tạo, những con đường ven kênh rạch được xây dựng khan trang, những căn nhà lụp xụp, dột nát không còn xuất hiện nhiều mà thay vào đó là hàng loạt những tòa cao ốc được mọc lên, thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị của những quận này.
Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Phạm Thị Vân (quận 4) cho biết, trước đây, ở đây không khác gì một khu ổ chuột, nhưng sau khi Nhà nước di dời các nhà trên và ven kênh rạch, các cây cầu nối từ quận 1 sang quận 4 được xây dựng, các tuyến đường ven kênh rạch này được xây dựng lại khiến cho quận 4 đã đổi khác rất nhiều.
“Nhà tôi trước đây nằm trong hẻm, nhưng sau khi di dời các nhà ven kênh thì lại được ra mặt tiền, điều này cũng giúp cho gia đình tôi được kinh doanh thuận tiện, đời sống ngày càng được nâng lên”, bà Vân chia sẻ.
…Kéo theo thị trường địa ốc
So với trước năm 1975, Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây mới hàng trăm cây cầu, hàng nghìn kilomet đường được nâng cấp, xây mới và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông hiện đại.
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM mới đây, lãnh đạo nhiều bộ, ngành đều cho rằng, nếu không phát triển hạ tầng, kinh tế của TP.HCM sẽ bị bó hẹp không gian phát triển. Trong khi đó, nếu hạ tầng phát triển sẽ tác động đầu tiên và ngay lập tức đến thị trường bất động sản. Chẳng hạn, khu Đông và khu Nam Thành phố, nơi hiện được xem là các đô thị vệ tinh của TP.HCM, đã và đang trên đà phát triển mạnh bởi cơ sở hạ tầng đã được đầu tư chỉnh chu, bài bản.
Cụ thể, hầu hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông Sài Gòn kết nối với Đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ nối từ trung tâm Thành phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức…
Cùng với đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách giữa thành phố với các trung tâm du lịch như: Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt. Những chiếc xe lam cũ đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những chiếc xe buýt hiện đại, máy lạnh mát rượi chạy bằng khí nén thiên nhiên.
Ngoài ra, trong số 5 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được thi công những hạng mục quan trọng như các ga Ba Son, Bến Thành, Nhà hát Thành phố cũng kết nối từ khu đông với trung tâm Thành phố.
Hay tại khu Nam TP.HCM, đường Nguyễn Văn Linh được xây dựng với quy mô 10 làn xe, dài 17,8 km, nối từ đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) giao với Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), có 10 cây cầu, được xem là đường lớn nhất thành phố thời bấy giờ. Đặc biệt, Thành phố đang xúc tiến xây dựng hai dự án lớn là Khu đô thị - cảng Hiệp Phước với quy mô hơn 3.900 ha và Khu đô thị - du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha. Đặc biệt, tuyến metro số 4 sẽ được kéo dài ra từ Thạnh Xuân (quận 12) ra đến khu đô thị - cảng Hiệp Phước.
Từ “hạt nhân” khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, hiện nay Nam Sài Gòn đang đón thêm làm sóng của nhiều dự án tầm cỡ, đã chia sẻ tình trạng quá tải cho trung tâm thành phố hiện hữu.
Nếu như trước đây, những tòa nhà chọc trời chỉ tập trung ở quận 1, 3, 5…, còn các khu vực ngoại thành như quận 2, quận 9, quận 7 hay Bình Thạnh… là những vùng đồng bằng hoang sơ. Thì nay, những khu đồng bằng ngày nào đã khoác lên cho mình những lớp áo mới, bởi nhà cửa san sát, xe cộ qua lại đông đốc, nhìn từ trên cao rất khó để phân biệt được đâu là nội đô hay đâu là ngoại thành.
Dù còn rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như chương trình cải tạo, tháo dỡ nhà ve và trên kênh rạch với hàng trăm ngàn người dân bị tác động hay hàng trăm tòa nhà chung cư cũ nát chờ cải tạo, nhưng sau 44 năm giải phóng, diện mạo TP.HCM đã thay da đổi thịt, đang trên đường khẳng định đẳng cấp “hòn ngọc Viễn Đông”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com