Thanh khoản và điểm số bật tăng
Chỉ số VN-Index tuần qua bật tăng trong phiên đầu tuần, sau đó lình xình, nhưng rồi bứt phá trong phiên cuối tuần (2/6/2023), lên trên 1.090 điểm. Thanh khoản liên tục được cải thiện, bình quân đạt hơn 15.000 tỷ đồng/phiên.
Trên đồ thị kỹ thuật ngày, VN-Index sau 2 tuần đi ngang trong biên độ dao động hẹp từ 1.060 - 1075 điểm đã bứt phá khung giá hình hộp, báo hiệu cho xu hướng mới mới bắt đầu. Tiếp sau nhịp bứt phá khung tích lũy là 3 nến Doji kiểm nghiệm lại hộp và sau đó là phiên bùng nổ theo đà vào ngày 2/6/2023. Phiên tăng 13 điểm cùng với khối lượng vượt trội trong tuần đã đưa VN-Index vượt qua vùng kháng cự mạnh của trung bình động MA 200 và vùng giá 1.080 điểm.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Diễn biến giao dịch cho thấy, xuyên suốt trong tuần qua, độ rộng của sắc xanh liên tục chiếm ưu thế, tuy có một số phiên “giằng co”. Dòng tiền liên tục luân chuyển và có sự gia tăng qua từng phiên, giữ vững sức mạnh từ lực cầu của khối nội. Do đó, dòng tiền xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường chung có sự vững vàng và có thể duy trì trong tuần tiếp theo, mục tiêu là vùng 1.100 - 1.115 điểm. Tuy vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng với áp lực bán chốt lời có thể xuất hiện đột ngột.
Dòng tiền đang chảy vào nhóm bất động sản, nguyên vật liệu và tư liệu sản xuất. Đây chủ yếu là những nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng thu hút dòng tiền, dù việc hạ lãi suất có thể ảnh hưởng đến biên lãi ròng và lợi nhuận. Điểm tích cực là lãi suất giảm sẽ kích cầu tín dụng.
Trong khi dòng tiền khối nội chảy vào mạnh mẽ, thì khối ngoại bán ròng 1.183 tỷ đồng trong tuần qua, lũy kế từ đầu tháng 5/2023 bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng, sau khi tháng 4 bán ròng gần 2.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng chủ yếu nhằm chốt lời do trước đó mua ròng ở mức giá, trong khi lãi suất tại Việt Nam dần kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất của một số thị trường trong khu vực và thị trường phát triển khác.
Nhóm ngành đáng chú ý: Ngân hàng
Trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHN cho phép các tổ chức tín dụng rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc/lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cơ quan này ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép ngưng thực hiện Khoản 4, Điều 11, Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Hai thông tư trên đã mở ra hành lang pháp lý để ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ đối với người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cắt giảm một số lãi suất điều hành đến 3 lần kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay, giúp giảm lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các chính sách hỗ trợ này cùng với lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023. Trước đó, lãi suất cao cộng với kinh tế khó khăn khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Tính đến giữa tháng 5/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,72% so với đầu năm 2023 (trong khi 4 tháng đầu năm 2022 tăng 7,2%).
Kafi kỳ vọng, các chính sách hỗ trợ trích lập dự phòng nợ xấu và cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức tốt hơn khi lãi suất giảm. Thu nhập từ lãi vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính, trong khi thu nhập dịch vụ dự kiến gặp khó khăn hơn.
Về chất lượng tài sản, các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giải tỏa một phần áp lực của nhiều ngân hàng trong năm 2023, khi một nửa chi phí dự phòng cho khách hàng thuộc diện tái cơ cấu đã được đẩy sang năm 2024. Cho nên, Kafi cho rằng, chi phí dự phòng sẽ không còn quá áp lực, nhất là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao và nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp.