VN-Index mất 5,91% trong tuần
Tuần qua, giới đầu tư chứng kiến nhiều biến động về vĩ mô trên toàn cầu. Ngày 28/9/2022, Ngân hàng Trung ương Anh đã tuyên bố can thiệp vào thị trường trái phiếu và tạm thời mua các loại trái phiếu dài hạn để kìm nén lãi suất cho vay tăng cao, tạm thời giúp giảm sự sợ hãi của nhà đầu tư về ảnh hưởng của lãi suất lên toàn bộ hệ thống tài chính sau khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Anh chạm mốc 5%/năm. Các chỉ báo vĩ mô khác cũng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, Mỹ ghi nhận lãi suất thế chấp 30 năm trung bình chạm 7%/năm lần đầu tiên kể từ năm 2000.
Dự báo từ Cleveland FED đưa ra, CPI tháng 9 của nền kinh tế số 1 thế giới tăng 0,31% so với tháng 8.
Tại Việt Nam, GDP quý III/2022 vẫn đạt mức tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ. Trong khi đó, CPI chỉ tăng 3,32% và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%. Các số liệu cho thấy Việt Nam đang thành công trong việc tập trung nguồn lực tăng trưởng kinh tế, cũng như giữ lạm phát và thất nghiệp ở mức ổn định.
Một điểm sáng khác, theo chúng tôi quan sát, sản xuất công nghiệp vẫn trên đà tăng ổn định khi so sánh với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tháng 9 chậm hơn so với tháng trước. Đáng chú ý nhất là mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (RSI) tuy vẫn ở mức cao nhưng đã có dấu hiệu chững lại và giảm tốc trong tháng 9. Những dữ liệu vĩ mô gần nhất đều cho thấy nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, do đó, các biến động gần đây của chứng khoán Việt Nam chủ yếu do sự tác động của rủi ro hệ thống và tác động tâm lý từ thị trường thế giới.
Trên đồ thị tuần, VN-Index không tránh khỏi áp lực từ thị trường quốc tế, với mức giảm sâu 71,17 điểm (giảm 5,91% so với tuần trước). Kịch bản suy yếu kéo dài trong tuần khi vận động “giữ nhịp” phiên sáng sau đó áp lực bán gia tăng vào cuối phiên, khiến cho vị thế dòng tiền ngắn hạn ở trạng thái “bắt dao rơi” thất bại.
Về mặt kỹ thuật, mẫu nến thể hiện lực bán chủ động chiếm ưu thế, bất chấp thị trường tích lũy “cạn cung” trong tuần trước nữa. Dòng tiền “trading” bị tổn thương và lực bán kích hoạt chủ động khi VN-Index vi phạm ngưỡng đáy trung hạn 1.150 điểm.
Bên cạnh đó, xu hướng dòng tiền tổ chức có sự phân hóa khi khối ngoại nối dài đà bán ròng với 960 tỷ đồng. Ngược lại, tự doanh quay lại mua trên thị trường với 508 tỷ đồng. Chúng tôi đã đề cập đến ngưỡng hỗ trợ xu hướng cuối cùng tại vùng quanh 1.110 - 1.120 của chỉ số (ngưỡng fibonacci chặn xu hướng giảm trung hạn); kỳ vọng lực cầu từ phía tổ chức và dòng tiền đầu tư trung hạn tham gia khi thị trường đang ở mức chiết khấu hấp dẫn.
Ở đồ thị ngày, vận động “kéo ngược” bất ngờ xuất hiện trong phiên cuối tuần đi kèm khối lượng giao dịch gia tăng, đạt 17.100 tỷ đồng, được cho là tín hiệu tương đối tích cực trong ngắn hạn. Tín hiệu này vừa đủ để tâm lý giao dịch cân bằng trở lại.
Nhóm chứng khoán giữ nhịp
VN-Index trải qua giai đoạn điều chỉnh giảm 25% xét từ vùng đỉnh tháng 4 năm nay. Trong khi đó, mức độ “chiết khấu” cao hơn đối với nhóm ngành chứng khoán khi điều chỉnh giảm 50% trong cùng thời điểm. Tuy vậy, nhóm chứng khoán đã cho các dấu hiệu phân kỳ với thị trường, bất chấp biểu hiện suy yếu khi VN-Index có mức giảm 5,91% trong tuần qua. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư dành sự chú ý cao với nhóm ngành này.
Liệu đây đã là điểm đảo chiều xu hướng hay chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn thôi, điều này còn phải dựa nhiều vào vận động từ liên thị trường, cũng như hoạch định chính sách hỗ trợ trong giai đoạn cuối năm. Về mặt kỹ thuật, chỉ báo RSI thể hiện yếu tố “tạo đáy” kết hợp cách đóng cửa tạo mẫu nến “pinbar”, cho dấu hiệu đảo chiều trong ngắn hạn. Cụ thể, một số cổ phiếu biểu hiện nổi bật như HCM, BSI, MBS đang có vận động tích cực. DSC kỳ vọng biên độ phục hồi xuất hiện, tích lũy trong trạng thái “sideway-up” sớm hình thành.