"Bùng nợ”: Quả bom nổ chậm!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế khó khăn tác động lên thu nhập người dân nên nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm, trong khi đó tình trạng “bùng nợ” có xu hướng tăng, kéo theo nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng đi lên.
"Bùng nợ”: Quả bom nổ chậm!

Nợ xấu tiêu dùng tăng do “bùng nợ”

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu vay tiêu dùng đến cuối tháng 12/2023 của các công ty tài chính tăng 10 - 15%, khiến nhóm này không dám cho vay, theo đó cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Đơn cử, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VietCredit chỉ đạt 25,7 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2022 và là mức lợi nhuận thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của công ty tài chính tiêu dùng này. Thời điểm 31/12/2023, tổng số dư nợ xấu VietCredit ở mức 853 tỷ đồng, tăng 62,5% so đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh từ 11,9% hồi đầu năm lên 18,5% vào cuối năm.

Không chỉ VietCredit, nhiều công ty tài chính tiêu dùng khác, kể cả các công ty có quy mô lớn như FE Credit cũng khó tránh nợ xấu tăng.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối quản trị rủi ro FE Credit cho biết, sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, FE Credit đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ…, từ đó kích cầu nhu cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ.

Song, các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ, đó là tình trạng bùng nợ có tổ chức bộc phát trong xã hội. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ.

Tỷ lệ khách hàng vay mà không trả gia tăng nhanh chóng, trong khi chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE Credit, bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro theo tình hình nợ xấu tăng cao.

Thậm chí, theo ông Marcin Figlus, có trường hợp khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ, gây xáo trộn tâm lý, hoang mang cho những nhân viên này. Tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn trong 2 năm gần đây khiến nhiều nhân viên thu hồi nợ của Công ty nghỉ việc, dẫn tới công tác thu hồi nợ càng trở nên khó khăn.

“Nếu như giai đoạn 2019-2020, Công ty chúng tôi chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì sang giai đoạn 2022-2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận”, ông Marcin Figlus cho hay.

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, gần đây, cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập công ty tài chính, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản nên xử lý quyết liệt.

“Lợi dụng việc cơ quan công an mạnh tay trấn áp, xử lý hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… cố tình chây ỳ trả nợ. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách bùng nợ khi vay qua ứng dụng của ngân hàng, công ty tài chính, gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống”, ông Tùng thông tin.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nguyên nhân tình trạng bùng nợ”gia tăng, theo ông Marcin Figlus, xuất phát từ việc kiến thức tài chính cá nhân của một bộ phận người vay còn hạn chế, chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ đối với khoản vay.

Nếu như giai đoạn 2019-2020, công ty chúng tôi chỉ ghi nhận 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì sang giai đoạn 2022-2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận.

Ông Marcin Figlus Giám đốc Khối quản trị rủi ro FE Credit.

Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe và hệ lụy là dẫn đến tình trạng một bộ phần người vay coi thường pháp luật.

“Đây là một vấn đề rất nan giải khi hành vi cố tình không trả nợ, hay còn gọi là bùng nợ đã trở thành một làn sóng, một hành vi có tổ chức với những hội nhóm trên mạng xã hội lên tới hàng trăm nghìn thành viên. Với những khách hàng này, chúng tôi vẫn kiên trì các giải pháp thu hồi nợ đang áp dụng hiện tại, chẳng hạn liên hệ trao đổi với khách về trách nhiệm trả nợ của họ, phân tích cho họ hiểu rõ việc chây ỳ trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ trong tương lai”, ông Marcin Figlus nói.

Cũng theo ông Marcin Figlus, FE Credit đã nộp đơn khởi kiện hàng nghìn khách hàng ra trung tâm trọng tài và tòa án trong năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, số khách hàng bị khởi kiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số khách hàng không thực hiện cam kết trả nợ, chỉ khoảng một nửa trong số đó là đã khởi kiện thành công. Nguyên nhân là thời gian xử và ra phán quyết với một vụ kiện như vậy rất lâu, có thể kéo dài tới 12 tháng.

“Với bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm và làn sóng rủ nhau bùng nợ nở rộ như vậy, thời gian qua, công tác thu hồi nợ luôn được chúng tôi ưu tiên. Trong khi đó, hoạt động giải ngân các khoản vay mới cũng bị ảnh hưởng. Các công ty tài chính phải thận trọng hơn và rà soát kỹ hơn trong việc chọn lựa khách hàng để cho vay, tập trung vào những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt”, ông Marcin Figlus nói, đồng thời cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của bên đi vay, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ.

Nếu không có hành động cụ thể, tình trạng bùng nợ sẽ tiếp diễn và không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến các công ty tài chính, mà còn cả chính khách hàng tiếp cận vốn vay do công ty tài chính phải siết chặt lại hoạt động cho vay.

Bên cạnh đó, những người hiện tại không trả khoản nợ nhỏ, sau này nếu cần vốn để kinh doanh, trang trải cuộc sống... sẽ không thể tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng vì vào “danh sách đen” trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC).

Thượng tá Lê Vinh Tùng cũng cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi hơn việc người dân đi vay tín chấp dưới 100 triệu đồng nếu không có khả năng trả nợ thì có thể bị lưu lịch sử tín dụng (nợ xấu) trên CIC và bị cộng dồn tiền gốc, tiền lãi đến khi trả được nợ để người muốn vay hiểu rõ hơn.

Trong khi đó, ông Leos Gregor, Giám đốc Quản trị thẩm định tín dụng và Phòng chống gian lận Home Credit cho biết, tính đến nay, có hơn 80% khách hàng duy trì việc thanh toán các khoản vay đúng hoặc trước hạn.

Để đạt được điều này, Home Credit đã tạo ra nhiều chương trình phổ cập kiến thức tài chính cho khách hàng. Đa phần trong số họ là những người lần đầu đi vay, chiếm tới 30% tổng số khách hàng của Home Credit.

“Trong quy trình thu hồi khoản vay tại Home Credit, chiến lược của chúng tôi là phổ cập kiến thức tài chính và hướng dẫn khách hàng cách thanh toán khoản vay đúng hạn. Home Credit cũng phát triển hệ thống nhắc nhở qua thông báo tin nhắn hoặc cuộc gọi với sự hỗ trợ của con người hoặc công nghệ”, ông Leos Gregor cho hay.

Vi Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục