Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ ước đạt 84.467 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,5%; bảo hiểm liên kết đơn vị là 20,4%; bảo hiểm hỗn hợp là 16,6% và các sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10%...
Từ đầu tháng 8/2022 tới nay, thị trường đón nhận thêm 2 sản phẩm mới thuộc dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, một là “VITA - Cho con” của Generali Việt Nam - sản phẩm đầu tiên trên thị trường được thiết kế cho mục tiêu đầu tư về giáo dục, bên cạnh sự bảo vệ toàn diện trước các rủi ro tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo... Theo đó, ngoài quyền lợi miễn đóng phí khi bố/mẹ gặp rủi ro thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tử vong, Generali còn đảm bảo phát hành hợp đồng mới cho con mà không cần thẩm định với số tiền bảo hiểm lên đến 10 tỷ đồng…
Sản phẩm thứ hai là “FWD Bộ đôi tài sản 2.0” của FWD Việt Nam gia tăng nhiều quyền lợi về đầu tư, đồng thời nâng mức bảo vệ lên đến 380% số tiền bảo hiểm. Đặc biệt, trong trường hợp thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong do tai nạn, FWD sẽ chi trả thêm 100% số tiền bảo hiểm nhằm gia tăng bảo vệ và hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng và gia đình...
Lực lượng dân số có thu nhập cao, có nhu cầu đầu tư sinh lợi, tích lũy tài sản... là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp nhân thọ tập trung khai thác bằng việc cho ra mắt các dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm mới, trong đó có bảo hiểm liên kết đơn vị. Đây là dòng sản phẩm đa năng khi giúp khách hàng vừa được bảo hiểm rủi ro, tai nạn bất ngờ, vừa là đầu tư sinh lời thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các quỹ liên kết đơn vị.
Cũng theo IAV, không chỉ đóng góp lớn vào doanh thu phí, bảo hiểm liên kết đơn vị còn giữ được đà tăng trưởng hợp đồng khai thác mới vượt trội so với các sản phẩm liên kết đầu tư khác trong 2 quý đầu năm 2022 với mức tăng 91,5% và chiếm tỷ trọng 23,5% trong tổng số hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư khai thác mới. Được biết, trong 2 quý đầu năm, số lượng hợp đồng nhân thọ khai thác mới toàn thị trường đạt 1.496.180 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong trong đó dòng bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 64,13% và giảm 11,8%.
Sự phát triển của thị trường tài chính - chứng khoán không chỉ thúc đẩy nhu cầu của người dân trong việc tìm kiếm sản phẩm để bảo vệ, mà còn để đầu tư gia tăng giá trị tài sản. Nhiều người có tiền nhàn rỗi muốn mua bảo hiểm nhân thọ để được bảo vệ, nhưng cũng muốn sinh lời từ khoản đầu tư này và dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm bảo hiểm liên kết đơn vị và liên kết chung) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nói chung, bảo hiểm liên kết đơn vị nói riêng phát triển nhanh chóng thời gian qua, cũng là yếu tố làm sụt giảm doanh thu phí các sản phẩm bảo hiểm truyền thống do chi phí vốn cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ truyền thống cao hơn nhiều so với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Mặc dù có sự “lệch pha”, nhưng theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư ra đời là sự tất yếu để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường.
“Người tiêu dùng ngày nay không chỉ có nhu cầu được bảo vệ hay tiết kiệm, mà còn mong muốn gia tăng tài sản qua các hình thức đầu tư. Các sản phẩm liên kết giúp đáp ứng nhu cầu này của họ nên sự quan tâm sẽ ngày càng tăng”, ông Dũng nhấn mạnh.