Thêm trường hợp bảo hiểm “núp bóng” sổ tiết kiệm
Sau khi bài viết “Trái ngọt bancassurance”, phản ánh về việc cả ngân hàng và công ty bảo hiểm ghi nhận khoản thu lớn từ việc liên kết phân phối sản phẩm bảo hiểm được đăng tải trên Đầu tư Chứng khoán số 47, phóng viên nhận được phản ánh từ nhiều độc giả về việc “trót ăn phải trái đắng” khi mua sản phẩm này. Không chỉ là các than phiền về việc khách hàng đi vay tiền tại ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, mà có cả những ý kiến phản ánh về việc được “khuyên” mua bảo hiểm khi tới gửi tiết kiệm.
Chị Tạ V. L. kể, chị đi gửi 2 tỷ đồng tại Ngân hàng P. nhưng được nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm liên kết đơn vị của Công ty Bảo hiểm P. Thấy mức lãi suất mà tư vấn viên đưa ra là 10 - 15%/năm, cao hơn hẳn so với lãi suất tiết kiệm thông thường (chỉ 5 - 6%/năm), chị L. đã đồng ý ký hợp đồng, thậm chí còn rủ chồng gửi thêm 5 tỷ đồng nữa. Sau này, trong một lần trò chuyện với người bạn am tường về lĩnh vực bảo hiểm, chị mới vỡ lẽ ra rằng đây là sản phẩm bảo hiểm có lãi suất không chắc chắn.
Thực tế, việc khách hàng đến gửi tiết kiệm nhưng được nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm để hưởng lãi suất cao hơn nhưng lại không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm không còn là câu chuyện mới.
Việc bán bảo hiểm kiểu này vẫn được giới chuyên gia trong ngành gọi là bán bảo hiểm “núp bóng” sổ tiết kiệm và Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh hiện tượng này. Tuy vậy, thế khó của các khách hàng là thường không có bằng chứng, hoặc không đủ bằng chứng (do không ghi âm được nội dung các cuộc tư vấn của nhân viên ngân hàng).
Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, ông đang được ủy quyền giải quyết khiếu nại của một số khách hàng cá nhân về việc gửi tiền ở Ngân hàng V nhưng lại bị khuyên mua bảo hiểm của Công ty P. Các trường hợp này cũng rơi vào cảnh đổ lỗi giữa khách hàng và phía ngân hàng, công ty bảo hiểm chỉ vì thiếu bằng chứng. Cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm đều bảo lưu quan điểm là họ không tư vấn sai, trong khi khách hàng thì cho rằng họ đã không tư vấn đúng nên khách hàng không hiểu.
Chuyên gia bảo hiểm Đặng Đình Chính cho rằng, trước thực tế ngày càng có nhiều vụ việc gây tranh cãi như trên, cần sớm có biện pháp chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng để tránh những rủi ro, tranh chấp không đáng có.
“Cần áp dụng việc ghi âm, quay camera tại nhiều điểm bán, tư vấn bảo hiểm để bớt rủi ro cho các bên (ngân hàng, tư vấn của công ty bảo hiểm và khách hàng)”, ông Chính đề xuất.
Cần tăng cường công tác thanh tra
Trong những năm gần đây, kênh phân phối ngân hàng ngày càng được các công ty bảo hiểm quan tâm đầu tư và thực tế đã đóng góp tỷ trọng ngày càng lớn vào tổng cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, kênh ngân hàng đã mang về hơn 13.871 tỷ đồng doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tương đương 2/3 doanh số từ kênh đại lý truyền thống (20.570 tỷ đồng).
Hoạt động phân phối bảo hiểm cũng mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều ngân hàng. Song đà tăng trưởng nóng của kênh này cũng để lại hệ lụy là việc nhiều khách hàng của ngân hàng phản ánh về tình trạng bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn, hay được “dẫn dắt” mua bảo hiểm khi tới gửi tiền. Cơ quan quản lý ngân hàng và công ty bảo hiểm là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã từng lên tiếng về việc này.
Cách đây một năm, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 7928- NHNN- TTGSHH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Đồng thời, các ngân hàng phải giải thích kỹ càng các điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm, giúp khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm… Các ngân hàng phải quán triệt, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm cho nhân viên, trong đó cần đặc biệt lưu ý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính từng cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.
Cơ quan này cũng nêu rõ, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều khách hàng vẫn tiếp tục phản ánh về việc “mua nhầm” bảo hiểm khi đi gửi tiết kiệm, ông Sơn cho rằng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm.
“Khách hàng cần được giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm, cần được biết rõ rằng đây là sản phẩm bảo hiểm được hưởng lãi suất minh họa, không chắc chắn. Không thể để tình trạng khách hàng hiểu lầm đây là sản phẩm cho lãi suất chắc chắn cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng và thay vì gửi tiền tiết kiệm, họ chuyển sang mua bảo hiểm”, luật sư Ngô Thị Thu Hà (Đoàn Luật sư TP. HCM) nói.
Ngân hàng, đại lý bảo hiểm vi phạm có trách nhiệm bồi hoàn cho bên mua bảo hiểm
Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, trong đó bao gồm cả đại lý tổ chức là ngân hàng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung quy định đại lý chỉ được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm đã được công ty bảo hiểm đào tạo.
Thông tin của cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đăng ký và cập nhật tại hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm. Hiện, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đang có một hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm nhân thọ (Avicad) làm cơ sở để các công ty bảo hiểm nhân thọ kiểm tra thông tin, tình trạng đại lý. Việc bổ sung quy định trên nhằm đồng bộ với cơ sở dữ liệu về đại lý bảo hiểm nhằm mục tiêu quản lý giám sát thông tin của đại lý trên toàn thị trường.
Dự thảo cũng bổ sung quy định nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (trong đó có nhân viên ngân hàng) gây thiệt hại đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm thì tổ chức đó (ngân hàng) phải có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp này đã bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Còn nếu đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý gây thiệt hại đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm thì đại lý đó có trách nhiệm bồi hoàn cho công ty bảo hiểm các khoản tiền mà công ty đã bồi thường cho bên mua bảo hiểm.