“Building Energy Challenge 2020” - sân chơi mới cho doanh nghiệp địa ốc

(ĐTCK) Sáng kiến “Building Energy Challenge 2020” do ADB và New Energy Nexus tổ chức vừa được khởi động, được đánh giá là sân chơi mới đầy thú vị cho các doanh nghiệp bất động sản trong khu vực Đông Nam Á. Báo Đầu tư Bất động sản đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Vân Anh, Quản lý chương trình để hiểu rõ hơn về chương trình mới mẻ này. 
Các công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh sẽ là xu hướng trong tương lai Các công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh sẽ là xu hướng trong tương lai

Với nhiều thành viên thị trường bất động sản Việt Nam, cái tên Building Energy Challenge còn khá xa lạ, bà có thể nói rõ hơn về chương trình này?

Quỹ ADB Ventures của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với New Energy Nexus tổ chức sáng kiến “Building Energy Challenge 2020”. Đây là một cuộc thi tìm kiếm các giải pháp khởi nghiệp sáng tạo về tiết kiệm năng lượng và tòa nhà thông minh cho khu vực Đông Nam Á.

“Building Energy Challenge 2020” - sân chơi mới cho doanh nghiệp địa ốc ảnh 1

Bà Đỗ Vân Anh

Mục đích của giải thưởng là thúc đẩy các dự án sử dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng mới với các tòa nhà lớn, trong đó mục tiêu là tăng tỷ lệ tiết kiệm năng lượng ở các nước ASEAN từ 20% năm 2020 lên 30% vào năm 2025.

Các quốc gia tham gia chương trình gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Myanmar. Đối tượng mục tiêu của chương trình là các trung tâm mua sắm, tòa nhà văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng, sân bay, tòa nhà phức hợp.

Chương trình tập trung vào các giải pháp để giải quyết các vấn đề như làm mát với chi phí thấp; quản lý năng lượng; các giải pháp bên ngoài tòa nhà; các giải pháp tòa nhà thông minh.

Cho đến nay, chương trình đã nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia của bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam, bao nhiêu doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á?

Hiện tại, chúng tôi đã nhận được phản hồi quan tâm của trên 20 doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam là 7, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Số lượng này đã vượt quá số lượng kỳ vọng. Do đây là chương trình đầu tiên làm việc với quỹ mới ADB Ventures của ADB, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi và kỳ vọng sẽ lựa chọn được ra những doanh nghiệp có mức độ quan tâm thiết thực và ý định đầu tư nghiêm túc nhất cho các giải pháp đổi mới sáng tạo trong mảng tiết kiệm năng lượng này.

Bà có thể nói rõ hơn về các doanh nghiệp ở Việt Nam đã đăng ký tham gia chương trình?

Ở Việt Nam, hiện có 3 tập đoàn bất động sản/chủ đầu tư, 1 công ty xây dựng, 3 công ty thiết kế kiến trúc đã đăng ký tham gia chương trình.

Trong việc phát triển các tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng, vai trò của đơn vị tư vấn, thiết kế là không nhỏ. Chương trình có ý định mời bổ sung các đại diện thuộc nhóm này không?

Chương trình không có ý định loại trừ sự tham gia của các đơn vị tư vấn, thiết kế nếu họ có nhu cầu thực sự áp dụng những giải pháp này cho dự án hay khách hàng hiện tại của họ.

Tuy nhiên, do chương trình không chỉ đơn giản là một buổi hội thảo chỉ nghe giải pháp, mà là cả một khung chương trình, từ bước kêu gọi và sàng lọc các giải pháp trên toàn cầu, gồm mạng lưới startup của New Energy Nexus, tới việc lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế của các chủ đầu tư, nên chương trình hy vọng các thoả thuận hợp tác phải được ký kết với đơn vị sẽ ra quyết định đầu tư vào các dự án thí điểm này.

Do chương trình đầu tiên nên quy mô không dành cho nhiều doanh nghiệp, nên chúng tôi phải lựa chọn các đối tác có tiềm năng và nhu cầu đầu tư thực sự để từ đó các dự án thí điểm này có thể nhân rộng trong tương lai, tạo ra ảnh hưởng tích cực cho ngành năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng ở khu vực.

Bà có đánh giá gì về việc ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giải pháp tòa nhà thông minh tại Việt Nam?

Một số doanh nghiệp nước ngoài có những tiêu chí chung của tập đoàn họ về các tiêu chuẩn chứng chỉ công trình xanh, như LEED, Green Mark, Lotus hay các xu thế chung về tòa nhà thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Họ chủ động tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho công trình của mình và kỳ vọng các giải pháp có chi phí hợp lý để nhân rộng ra ở phân khúc khách hàng trung cấp, thay vì chỉ những giải pháp thông minh được áp dụng với một mức chi phí cao dành cho phân khúc cao cấp.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần quan tâm đến mảng này, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thực sự quan tâm đầu tư có lẽ cũng chưa nhiều.

Theo bà, đâu là thuận lợi, đâu là rào cản chủ yếu cho giải pháp tiết kiệm năng lượng?

Thuận lợi của ngành này là thị trường Việt Nam vẫn còn nhu cầu tăng trưởng rất lớn về các công trình mới, cũng như nhu cầu cho những giải pháp phù hợp cho các công trình hiện tại.

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng công nghệ trong ngành tiết kiệm năng lượng, từ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, kết nối vạn vật (IOT), tự động hoá, mô hình hoá để giải quyết các bài toán tối ưu về sử dụng năng lượng hiệu quả cho các thiết bị như điều hoà, hệ thống làm lạnh, hệ thống bình đun nước nóng, quản lý hành vi người dùng, cũng như các nguyên vật liệu mới trong xây dựng để tối ưu năng lượng.

Việt Nam trong 10 năm qua có mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng ở mức 12 - 14%, trong khi tăng trưởng GDP trung bình 7% đặt ra bài toán về tính hiệu quả của sử dụng năng lượng ở Việt Nam.

Trong khi đó, rào cản chủ yếu đến từ sự quan tâm của người sử dụng, cũng như các chủ đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng chưa phải là mối quan tâm hàng đầu. Việc này cần được cải thiện thông qua việc quảng bá các công nghệ, giải pháp mới cho thị trường, tránh áp dụng những công nghệ cũ cho các công trình mới. Đồng thời, mức giá điện không quá cao đối với các đơn vị không sử dụng nhiều điện năng có thế khiến cho bài toán phân tích chi phí lợi ích chưa đủ hấp dẫn để đầu tư ngay. 

Được biết, những dự án thí điểm tiềm năng sẽ được ADB Ventures tài trợ. Vậy, mức độ tài trợ ra sao, tập trung vào nội dung nào?

Với những giải pháp nhỏ có thể áp dụng dễ dàng thì các tập đoàn lớn có tiềm lực có thể chủ động tự đầu tư. Đối với những giải pháp lớn hơn, ví dụ ở mức hàng chục hay hàng trăm nghìn USD, có mức độ rủi ro ở quy mô lớn hơn thì ADB Ventures có thể cân nhắc đầu tư chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp nếu như ADB Ventures thực sự thấy muốn đầu tư cho các startups này. Việc này sẽ phải trao đổi cụ thể ở những bước tiếp theo.

Chúng tôi có bộ tiêu chí cụ thể cho các startups, tập trung vào mảng đổi mới sáng tạo/hiệu quả năng lượng, từ các tiêu chí công nghệ/kỹ thuật về mức độ năng lượng hiệu quả có thể giảm được, tới các yếu tố kinh tế: có phù hợp với khả năng đầu tư của các tập đoàn tham gia không, tới các tác động môi trường, như lượng phát thải CO2 giảm được.

ADB thường tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở quy mô lớn và ADB Ventures là một chương trình rất mới, vừa được công bố trong tháng này, nhằm tìm kiếm và tạo cơ hội cho các giải pháp công nghệ mới có yếu tố tác động tích cực tới môi trường xã hội. New Energy Nexus sẽ đồng hành cùng ADB Ventures để hỗ trợ các startup tiềm năng. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn thực hiện.
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục