Thị trường khó thêm khó
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ có 44.600 tấn clinker và xi măng được xuất sang Trung Quốc, mang về dòng ngoại tệ chưa đến 1,6 triệu USD, trong khi nửa đầu năm 2023 là 24 triệu USD. Sự sụt giảm mạnh mẽ này đã được ghi nhận từ trước đó.
Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc - từng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành xi măng đã giảm nhập khẩu tới 90%, do nhu cầu yếu trên thị trường bất động sản. Không chỉ vậy, quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường mua nhiều xi măng của Việt Nam, khiến sự cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu trở nên khốc liệt hơn.
Thống kê tình hình xuất khẩu nửa đầu năm cho thấy, cả nước xuất được 15,7 triệu tấn clinker và xi măng, thu về 603 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trước khi gặp khó từ những biến động của thị trường Trung Quốc, viễn cảnh cạnh tranh của ngành xi măng đã sớm được dự báo từ nhiều năm trước.
Gần 10 năm trước, ngành xi măng Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về công suất thiết kế khi hàng loạt nhà máy mới đi vào hoạt động. “Dù nhu cầu trong nước tăng mạnh và Việt Nam nỗ lực xuất khẩu, thị trường xi măng Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự dư cung trong vòng 10 năm tới”, chuyên gia từ hãng phân tích dữ liệu lớn nhận định trong một cuộc hội thảo hồi năm 2016.
Tình trạng dư cung cùng biến số mới xuất phát từ tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản Trung Quốc khiến thị trường khó càng thêm khó. Thị trường trong nước được kỳ vọng hưởng lợi nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhưng tình hình tiêu thụ cũng chưa ghi nhận tín hiệu đi lên rõ nét.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước 12 năm gần đây chỉ đạt bình quân 2,3%/năm. Riêng năm 2022 và 2023, sản lượng tiêu thụ nội địa thậm chí tăng trưởng âm. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình dự án chậm triển khai, giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương còn chậm, phân khúc xây dựng dân sinh cũng trầm lắng… tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ xi măng.
Kẻ hồi phục, người vẫn dai dẳng thua lỗ
Trong 6 tháng đầu năm, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7,7%. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận chỉ số sản xuất tăng kèm chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn, giúp chỉ số tồn kho giảm. Tuy vậy, theo bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), bóc tách trong nhóm ngành công nghiệp, xi măng là một điển hình trong nhóm các ngành chưa hồi phục.
“Ngành xi măng gặp thách thức lớn nhất từ nhu cầu thị trường trong nước thấp. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong ngành diễn ra ngày càng gay gắt”, bà Nga chỉ ra nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trong nửa đầu năm.
Trước đó, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ bao gồm cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao khiến một số nhà máy, dây chuyền phải giảm năng suất hoặc dừng sản xuất. Bức tranh tài chính của ngành vẫn mang màu xám trong nửa đầu năm 2024, nhưng có nhiều hơn sự phân hóa.
Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBITDA) của Công ty TNHH Siam City Cement (Vietnam) quý II/2024 tăng 67% so với cùng kỳ và gấp 2,1 lần quý đầu năm. Đây là đơn vị thuộc Tập đoàn Siam City Cement (SCCC, Thái Lan) - ông lớn đã gom về nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam thông qua loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Nhu cầu tăng đáng kể nhờ giải ngân đầu tư công vào các dự án hạ tầng quy mô lớn cùng chiến lược thâm nhập thị trường được thực hiện tốt là hai yếu tố được lãnh đạo doanh nghiệp này chỉ ra.
Một doanh nghiệp Thái Lan khác là SCG không nêu con số lợi nhuận cụ thể từng thị trường, nhưng cũng cho biết, nhu cầu xi măng phục hồi tại Việt Nam, Indonesia và Campuchia đã giúp kéo lại sự suy giảm ở chính thị trường Thái Lan (-9%). Trong đó, thị trường Việt Nam tăng 2%, sau khi giảm 7-9% ở 4 quý liền trước.
Trái với sự hồi phục có phần hiếm hoi trên, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ khoảng 863 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức thua lỗ 441 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về thua lỗ trong số các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Lãnh đạo Vicem thừa nhận, chưa lúc nào trong hơn 120 năm thành lập và hoạt động lại gặp tình cảnh khó khăn như hiện tại.
Công ty cổ phần Vicem Hà Tiên (mã HT1, sàn HoSE) - doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn nhất (7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm) đã báo lãi trở lại trong quý II/2024 sau quý đầu năm thua lỗ, nhưng vẫn giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giúp “ông lớn” này có lãi quý vừa qua không phải do sự hồi phục về doanh thu, mà bởi chi phí lãi vay được tiết giảm mạnh. Vicem Hà Tiên đã giảm vay nợ và được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn cùng kỳ.
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) duy trì chuỗi thua lỗ từ quý IV/2022 đến nay, qua đó nâng khoản lỗ lũy kế lên 182 tỷ đồng, tương đương 14% quy mô vốn điều lệ. Doanh thu giảm cùng chi phí giá vốn tăng đã khiến biên lợi nhuận chỉ hơn 1,1%, đồng nghĩa cứ mỗi 100 đồng doanh thu chỉ mang về 1,1 đồng lợi nhuận gộp.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) cũng đã có quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp. Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly và Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ ghi nhận khoản lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
Cuộc sàng lọc thêm gay gắt
Trước tình hình thị trường ảm đạm kéo dài, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh cung cấp xi măng cho các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực công nghiệp quan trọng này.
Ngoài yếu tố đầu ra, giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than đã đẩy chi phí sản xuất xi măng tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5 lên 10% từ đầu năm trước, sức ép môi trường với các nhà máy cũng được nêu ra. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của VNCA trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023.
Tuy nhiên, kể cả khi “ngấm” hơn sự hỗ trợ của chính sách và sự đi lên của thị trường, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đứng vững tại cuộc chơi trong tương lai. Ông Nguyễn Quang Cung từng nhấn mạnh, doanh nghiệp xi măng đứng trước nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.
Năng lực tài chính một số doanh nghiệp nội vốn đã không mấy vững, lại càng “nguy” hơn trong bối cảnh khó khăn. Đặc biệt, với các cơ sở sản xuất xi măng công suất thiết kế dưới 1 triệu tấn/năm, hiệu quả sẽ rất khó đạt được khi tính đến chi phí điện, bảo trì và các chi phí cố định khác. Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ có quy mô vài vạn tấn/năm liên tục kinh doanh dưới giá vốn các năm qua, tích dần khoản lỗ lũy kế lên tới 463 tỷ đồng, gấp 3,7 lần vốn điều lệ.
Trường hợp phải phá sản hay trở thành đối tượng bị M&A không phải không có khả năng, nhất là với một ngành từng chứng kiến không ít hoạt động sáp nhập. Đánh giá về thị trường nửa cuối năm 2024, lãnh đạo SCG cho rằng, mảng xi măng của tập đoàn này sẽ tăng khả năng cạnh tranh tại khu vực miền Nam Việt Nam nhờ khả năng tiếp cận tốt hơn các cơ sở nghiền clinker và hưởng lợi nhờ sự phục hồi kinh tế liên tục ở Việt Nam và Indonesia.
Không riêng SCG, với các doanh nghiệp xi măng có vốn đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, đây cũng là cơ hội để mở rộng công suất, tiếp cận thị trường địa phương, qua đó tạo thêm gay gắt cho cuộc sàng lọc.
Theo thống kê tại 18 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán, trong nửa đầu năm, các công ty lỗ trước thuế gần 110 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý II/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp đạt 79,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thua xa thời điểm kinh doanh thuận lợi, như hồi quý II/2021 (508 tỷ đồng). Trong số đó, 5/18 doanh nghiệp vẫn báo lỗ; 8/18 doanh nghiệp có lãi nhưng tăng trưởng âm; 5 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhưng phần lớn tăng từ mức nền cơ sở thấp (khá sát gần mức hòa vốn) hoặc thua lỗ của cùng kỳ.