Vicem Hà Tiên, Bỉm Sơn và nhiều tên tuổi lớn nhỏ trong ngành xi măng liên tiếp báo lỗ hàng chục tỷ đồng ngay trong quý đầu tiên của năm 2024.
Nguồn cơn chính của tình trạng thua lỗ này bắt nguồn từ cầu yếu, tiêu thụ sụt giảm, kéo doanh thu lẫn lợi nhuận của các nhà sản xuất xi măng đi xuống.
Doanh thu quý I/2024 của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1), DN lớn nhất trong hệ thống Vicem chỉ đạt hơn 1.585 tỷ đồng, giảm 12,24% so với cùng kỳ. DN lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 23 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 24 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn là DN mạnh ở phía Bắc cũng không khá hơn, khi quý I/2024, doanh thu của DN giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, với 690 tỷ đồng, lợi nhuận âm gần 49 tỷ đồng.
Đáng nói, đây cũng là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của DN (từ quý III/2022). DN cho biết nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với nhu cầu, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều DN xi măng tiếp tục thực hiện giảm năng suất hoặc dừng lò nung.
Đầu ra gặp khó, từ năm ngoái, hàng chục dây chuyền trong ngành xi măng đã phải dừng sản xuất, còn nhiều DN trong ngành phải cắt giảm công suất, chạy cầm chừng, để hạn chế đổ clinker ra bãi.
2 năm qua, tiêu thụ xi măng ở trong nước đã tăng trưởng âm. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), Bộ Xây dựng từ năm ngoái đến nay đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ có giải pháp gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, mục tiêu để tăng lượng tiêu thụ.
Hiện, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.
Tiêu thụ nội địa chỉ bằng 50% công suất sản xuất, xuất khẩu cũng không dễ thở hơn, khi 2 năm gần nhất chỉ quanh 30 triệu tấn. Khó khăn kép về tiêu thụ.
4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu clinker, xi măng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 4,6%, nhưng giá xuất khẩu thấp nên ngoại tệ thu về đạt 417 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
PGS.TS. Lương Đức Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VNCA cho biết: "Mấu chốt là tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng cơ bản để đẩy sản lượng xi măng tiêu thụ tăng lên, doanh nghiệp sản xuất mới có đầu ra".
Thực tế, tiêu thụ sản phẩm xi măng giảm sâu cả trong nước và xuất khẩu kéo dài đã và đang gây ra nhiều vấn đề cho các DN xi măng và phải đối diện với nguy cơ phá sản, bị nước ngoài thôn tính.
VNCA lo ngại, nếu các nhà máy xi măng phải dừng hoạt động sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu xi măng cho toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do đó, VNCA kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai hoặc đề nghị Chính phủ cho xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát.
Một kênh tiêu thụ xi măng nữa được VNCA chỉ ra, để nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình đường giao thông, cần sử dụng công cụ gia cố nền đường bằng xi măng - đất, thay cho công nghệ truyền thống. Công nghệ này được châu Âu, Mỹ sử dụng hàng trăm năm trước và hiện vẫn đang được sử dụng.
Theo các DN xi măng, việc gia cố nền đường bằng xi măng - đất cho phép sử dụng tất cả các loại đất tại chỗ, mang lại độ bền cho nền đường, giảm độ thấm/hút nước, phân bố tải trọng đều hơn, tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì cho công trình.
Ngoài ra, để khơi thông cho kênh xuất khẩu, VNCA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, đề xuất giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker hai năm tới là 5% và được khấu trừ VAT.