BSR hiện là thành tố quan trọng trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đó là thăm dò - khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ dầu khí chất lượng cao, chế biến dầu khí.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do BSR quản lý và vận hành, là công trình hiện đại, quy mô lớn, công nghệ phức tạp, với chuỗi kết nối hàng trăm nghìn thiết bị sản xuất từ nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm đầu ra của Nhà máy là các loại nhiên liệu như khí gas, xăng, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, nhiên liệu cho động cơ diesel (DO), nhiên liệu đốt lò (FO); các sản phẩm không làm nhiên liệu như các loại dung môi cho công nghiệp cao su, sản xuất sơn, dầu nhờn, mỡ bôi trơn, nhựa đường, sáp, parafin…
Sau khi tiếp nhận bàn giao nhà máy từ tổ hợp nhà thầu Technip, cán bộ công nhân viên BSR đã nhanh chóng làm chủ hoàn toàn dây chuyền công nghệ, đảm bảo Nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả. BSR đã rèn luyện, đào tạo nên một đội ngũ kỹ sư, chuyên gia trình độ cao trong ngành lọc hoá dầu. Từ khi có BSR, ngành lọc hoá dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hoàn thiện cơ cấu, hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành.
Trong 15 năm qua, BSR luôn vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất ổn định ở 100 - 112% công suất. Công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 83,8 triệu tấn sản phẩm các loại; tổng doanh thu đạt trên 1.290.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 187.800 tỷ đồng (gấp 2,68 lần tổng mức đầu tư dự án).
Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó ban Kinh tế Trung ương thì ngày nay, an ninh năng lượng đã được tiếp cận theo cách phi truyền thống. Nghĩa là không chỉ tập trung vào các mối đe dọa an ninh gây ra bởi sự gián đoạn đột ngột, sự tan rã và biến động giá cả từ các thao túng của những thỏa thuận cung cấp năng lượng hiện có như cách tiếp cận an ninh năng lượng truyền thống, mà bao gồm cả việc tiêu thụ, sự khan hiếm và phân bổ tài nguyên năng lượng không cân bằng.
Dựa vào những tiêu chí trên, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Trước đây, khi chưa có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Việt Nam phải bán toàn bộ lượng dầu thô khai thác được cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu… từ họ. Việc “bán thô, mua tinh” đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt, gây khó khăn cho việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia.
Thời điểm cuối năm 2022, khi thị trường xăng dầu Việt Nam có nhiều biến động thì vai trò của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại càng quan trọng hơn. Trên lý thuyết, Việt Nam tự chủ được khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn; phần còn lại là nhập khẩu. Nhưng đó là trên lý thuyết, vì Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn thường xuyên hoạt động dưới công suất thiết kế, thậm chí có những thời điểm tạm dừng sản xuất. Chỉ có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động ổn định ở mức vượt công suất thiết kế, có những thời điểm ở mức 112% công suất thiết kế, góp phần bình ổn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị BSR cho biết, Công ty đã và đang giữ vững vị thế chủ lực trong ngành công nghiệp lọc hoá dầu trong tổng thể phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Sản lượng sản xuất hàng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cho đất nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.