Bớt “gánh lo” về thủ tục hành chính thuế

(ĐTCK) Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế đã và đang nhận được sự hưởng ứng mạnh từ xã hội và các DN. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Hương Vũ, Phó giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc tài chính về các chính sách mới này.
Bà Hương Vũ Bà Hương Vũ

Là người có gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính và tư vấn thuế, bà đánh giá như thế nào về các chính sách nêu trên?

Đây là một chính sách đúng đắn và là tín hiệu đáng mừng cho các DN. Việc giảm thiểu thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, nâng cao hiệu quả của cơ chế tự khai tự nộp.

Chính sách này đã quán triệt được tinh thần Nghị quyết của Chính phủ là tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn cho các NĐT. Tuy nhiên, việc giảm thiểu thủ tục hành chính mới chỉ dừng ở khâu tự khai, tự nộp của DN, mà chưa chạm đến một khâu quan trọng trong quy trình quản lý thuế đó là giai đoạn hậu kiểm.

Tiếp xúc với DN, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các DN đề cao việc tuân thủ pháp luật thuế, nhưng vẫn luôn nơm nớp lo lắng khi bị cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra. Các DN luôn thụ động và thường xuyên bị “sốc” khi nhận được kết quả kiểm tra và kết luận của đoàn kiểm tra/thanh tra.

Theo quy định, thời hạn tối đa cho một cuộc thanh tra là 45 ngày, nhưng trên thực tế, có những vụ thanh tra kể từ lúc bắt đầu cho đến khi ra được biên bản mất một, thậm chí vài năm. Quá trình thanh tra/kiểm tra kéo dài, tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Theo bà, cơ quan quản lý nên làm gì để giảm bớt thời gian làm việc của DN với cơ quan thuế ở khâu hậu kiểm?

Tại Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế, Bộ Tài chính đã dành hẳn một chương về kiểm tra, thanh tra thuế, trong đó có nêu cụ thể quy trình kiểm tra, thanh tra tại DN. Mặc dù vậy, trên thực tế, không nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra kết thúc theo đúng thời hạn quy định. Phía DN cho rằng, nhiều cán bộ thuế cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu. Nhưng ngược lại, cơ quan thuế lại khẳng định, DN thiếu hợp tác, trốn tránh cung cấp thông tin.

Theo tôi, khoảng cách giữa người nộp thuế và người thu thuế trong rất nhiều trường hợp là do quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Chính sách thuế của chúng ta đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế. DN không thể đòi hỏi chính sách đề cập và hướng dẫn được mọi trường hợp trên thực tiễn. Tuy nhiên, chính vì điều đó mà DN rất cần và rất mong cơ quan thuế xử lý tình huống thực tế dựa trên tinh thần thấu hiểu, đồng hành và tháo gỡ cho DN.

Đây là một quá trình thay đổi tư duy và hành động từ cả hai phía. Từ DN, đó là việc tăng ý thức tuân thủ và tăng tính minh bạch khi hoạt động kinh doanh. Về phía cơ quan thuế, đó là sự lắng nghe và hỗ trợ DN trên quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu, tạo môi trường chính sách ổn định, dần từ bỏ cách xử lý máy móc và thiếu nhất quán.

Trong lúc chờ đợi chính sách mới hoàn thiện hơn, bà có lời khuyên nào cho DN để giảm bớt nỗi lo khi “bị” thanh tra, kiểm tra thuế?

Điều quan trọng là DN cần thực sự chủ động đối với việc thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế. Trước hết, DN cần có hiểu biết sâu sắc về chính sách thuế nói riêng và quy định của pháp luật nói chung nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ.

Như đã nói, pháp luật thuế trong nhiều trường hợp không quy định cụ thể tất cả các trường hợp của tất cả các lĩnh vực hoạt động. Việc giải thích và áp dụng pháp luật thuế đôi khi không thống nhất giữa cơ quan thuế các cấp. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cán bộ thuế có thể đưa ra những quan điểm chưa thực sự phù hợp với đặc thù của ngành hoặc chưa phù hợp với cách hiểu luật của DN.

Trong trường hợp này, các DN nên chủ động giải trình cụ thể với cơ quan thuế để cơ quan thuế có được những hiểu biết rõ hơn về đặc thù ngành nghề kinh doanh của mình. Trong trường hợp cần thiết, có thể đưa vấn đề lên các cơ quan thuế cấp cao hơn để có được cách hiểu thống nhất và phù hợp.

Tôi tin rằng, các nhà làm luật luôn lắng nghe và tiếp thu những phản hồi của DN để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế. DN nên chủ động tham gia các hiệp hội, các tổ chức ngành nghề để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các DN khác trong cùng lĩnh vực, ngành nghề. Đây cũng là các kênh thông tin chính thức và hiệu quả để DN có cơ hội đối thoại với những người làm chính sách.

Ngày 10/10 tới, Câu lạc bộ Giám đốc tài chính sẽ tổ chức hội thảo về các vấn đề thanh tra thuế. Buổi hội thảo hướng tới mục đích cung cấp các thông tin cập nhật nhất về chính sách thuế, các vấn đề “nóng” trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế tại DN. Đồng thời, qua diễn đàn, các DN cũng thảo luận những công việc mà DN cần chuẩn bị cho một cuộc thanh tra, kiểm tra thuế. Ngoài ra, hội thảo còn là cơ hội để các DN kết nối, xây dựng các kênh thông tin đa chiều giữa các DN với cơ quan quản lý và người làm chính sách thuế, cũng như Chính phủ.

Hiếu Minh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục