Bóng mây từ Mỹ và Anh bao phủ chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu theo đà giảm trong những phiên gần đây, đánh dấu chuỗi đi xuống mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2019. Một nguyên nhân rõ ràng được chỉ ra là do triển vọng nền kinh tế toàn cầu ngày một kém lạc quan, song có một nỗi lo ít được đề cập tới, đó là đà giảm đột ngột của chứng khoán Mỹ và Brexit.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Kinh tế Mỹ lung lay

Chỉ số MSCI USA đã giảm 2,89% trong những phiên giao dịch cuối tuần trước, so với mức giảm 1,45% của chỉ số MSCI theo dõi các thị trường bên ngoài nước Mỹ.

Kết quả là, chứng khoán Mỹ đang có màn biểu diễn kém cỏi hơn so với các thị trường trên toàn cầu kể từ tháng 8/2019, sau khi vượt trội trong 7 tháng trước đó.

Thực tế này làm dấy lên nỗi lo sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, vốn được nhận định có sức chống chọi tốt hơn so với các quốc gia khác trước đà đi xuống của kinh tế toàn cầu, đã bắt đầu lung lay.

Nỗi lo này được củng cố hơn khi báo cáo mới nhất từ Viện Quản lý cung ứng (Institute for Supply Management) có trụ sở tại Mỹ cho thấy, sản lượng sản xuất đầu ra rơi sâu hơn vào đà xuống dốc, trong khi doanh số bán phương tiện không mấy tích cực.

Theo đó, có nhiều lý do để các thành viên thị trường tin rằng, hoạt động tiêu dùng sẽ không còn đủ sức chống đỡ cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh kém khả quan hơn, thì tình hình chính trị tại nước Mỹ giáng thêm một đòn vào tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp có động thái gây hấn với nhiều thị trường trên toàn cầu, trong khi đối diện với các buổi luận tội tại quê nhà.

“Niềm tin nước Mỹ là thiên đường an toàn của nhà đầu tư trong các thời kỳ suy thoái toàn cầu đang bị xói mòn. Các phát biểu thường xuyên của ông Trump chính là điều khiến giới đầu tư không thể tin nước Mỹ là điểm đến an toàn để đầu tư”, Ulrich Leuchtmann, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại Commerzbank cho biết.

Đáng chú ý, các thành viên thị trường khó có thể kỳ vọng doanh nghiệp Mỹ sẽ làm nên điều kỳ diệu là thu về lợi nhuận tích cực, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu khi thời điểm công bố kết quả hoạt động quý III/2019 sắp diễn ra.

Nhiều phân tích cho thấy, các doanh nghiệp sẽ công bố con số lợi nhuận giảm khoảng 3% trong quý III/2019 so với cùng kỳ năm trước, theo Bloomberg Intelligence.

Đây là mối lo lắng, bởi các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 5,3% trong quý này theo các dự báo được đưa ra vào đầu năm.

“Tiếng thở dài” Brexit

Nếu như diễn biến của chứng khoán Mỹ là nỗi lo đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, thì thị trường chứng khoán Anh được ví như là “tiếng thở dài”.

Chỉ số FTSE 100, bao gồm lượng lớn cổ phiếu tại Anh, đã giảm 3,23% trong phiên giao dịch cuối tuần trước, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016, thời điểm nước Anh bất ngờ bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu, hay còn gọi là Brexit.

Đà giảm của chứng khoán Anh hiện cao gấp đôi so với chỉ số MSCI tất cả quốc gia trên thế giới trong thời gian qua, một phần bởi kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Bóng mây từ Mỹ và Anh bao phủ chứng khoán toàn cầu ảnh 1

Chứng khoán Anh có màn biểu diễn kém hơn so với các thị trường trên toàn cầu.

Không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán Anh có diễn biến tiêu cực, bởi kể từ năm 2016 tới nay, Brexit vẫn là “mớ bòng bong” chưa tìm được hướng gỡ. Những bất ổn của quá trình ly khai này đang phủ bóng đen lên nền kinh tế Anh.

Báo cáo mới nhất của OECD nhận định, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, giảm so với mức 1,4% của năm 2018 và dự báo chỉ đạt 0,9% trong năm 2020. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế G20 giai đoạn 2018-2020 đạt lần lượt 3,8%, 3,1% và 3,2%.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục