Thông tin trên tờ Asia Nikkei cho biết, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc bị “xù nợ” năm nay đã lên đến 157 tỷ nhân dân tệ (gần 24 tỷ USD) và có khả năng vượt mức kỷ lục năm ngoái là 167 tỷ nhân dân tệ.
Khối doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những tên tuổi lớn như Tập đoàn khai khoáng Yongcheng Coal & Electricity Holding, hãng sản xuất chip Tsinghua Unigroup hay Tập đoàn Ô tô Huachen Automotive “đóng góp” tới 40% giá trị các khoản trái phiếu mất khả năng thanh toán.
Huachen Automotive, đối tác của hãng xe BMW tại Trung Quốc, mới đây đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì có nguy cơ không thể chi trả 16 tỷ nhân dân tệ trái phiếu sắp đáo hạn. Trước đó, họ đã mất khả năng trả nợ cho khoản trái phiếu 1 tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 10.
Tsinghua Unigroup, trực thuộc Đại học Thanh Hoa, cũng không thể thanh toán 1,3 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đến hạn vào đầu tháng 12/2020.
Giới phân tích dự đoán, số vụ vỡ nợ trái phiếu còn có thể gia tăng trong năm tới ở các công ty bất động sản và trái phiếu chính quyền địa phương ở Đại lục.
Tình trạng mất khả năng chi trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp đã gây hoang mang trên thị trường tài chính Trung Quốc. Chính phủ nước này đã phải cam kết tăng cường kiểm soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng thời, một ủy ban về ổn định tài chính thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc chủ trì đã họp khẩn và ra thông báo “sẽ có hành động để tránh khủng hoảng hệ thống tài chính”.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng giãn nợ cho các doanh nghiệp, như một trong những biện pháp kích thích nền kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giải pháp này được coi như liều doping giúp các doanh nghiệp che giấu sức khỏe thực của mình. Sau khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, Chính phủ Trung Quốc rút lại các biện pháp hỗ trợ thì tình trạng tài chính xấu ở nhiều doanh nghiệp nhà nước bắt đầu bộc lộ.
Những bất ổn trên thị trường tài chính Trung Quốc đã khiến ít nhất 57 doanh nghiệp phải tạm hoãn kế hoạch phát hành tổng cộng 44,2 tỷ nhân dân tệ trái phiếu.
Những doanh nghiệp khát vốn đến mức buộc phải thúc đẩy phát hành thường phải đưa ra mức lãi suất khá cao để hấp dẫn nhà đầu tư. Lợi suất trái phiếu Trung Quốc với kỳ hạn 5 năm đã tăng từ dưới 2%/năm trong quý II lên 3,2%/năm.
Giới phân tích dự đoán, số vụ vỡ nợ trái phiếu còn có thể gia tăng trong năm tới.
Giới phân tích tài chính cho rằng, sẽ có thêm nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu nữa trong thời gian tới khi Chính phủ Trung Quốc không còn bảo lãnh nợ cho các công ty nhà nước. Thực tế hiện nay đang làm bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Trước việc Bắc Kinh gây sức ép lên các chủ nợ, giá trị tài sản ròng của một số quỹ đầu tư tương hỗ đã giảm. Điều này buộc các nhà quản lý quỹ đầu tư thu nhập cố định phải tạm dừng tiếp nhận yêu cầu tham gia quỹ từ các nhà đầu tư địa phương.
Sự bất ổn này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Chi Lo, chuyên gia kinh tế tại BNP Paribas AM đánh giá, những xáo trộn mạnh trên thị trường trái phiếu Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư. “Tuy kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, song tâm lý thị trường đang bị ảnh hưởng lớn. Nhà đầu tư không thể đoán bừa về những gói cứu trợ hay những giải pháp xử lý khủng hoảng nợ mà Chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành”.
Những biến động trên thị trường trái phiếu cũng có thể gia tăng rủi ro tín dụng của các quỹ đầu tư tương hỗ Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây đã kiểm tra 5.906 quỹ cổ phần, trái phiếu và quỹ tương hỗ để đánh giá khả năng thanh khoản của chúng trước yêu cầu mua lại của các nhà đầu tư.
Sau các cú sốc về bom nợ như đã đề cập ở trên, chỉ có vài quỹ trái phiếu vẫn giữ được sự tin tưởng ở các nhà đầu tư, trong khi có tới 52 quỹ nhận được các yêu cầu mua lại rất lớn.
Ivan Shi, lãnh đạo Z-Ben Mooth, một công ty tư vấn tại Thượng Hải nhận xét rằng, các cơ quan quản lý đang xem nhẹ những vấn đề tiềm ẩn, những quả bom mới đang hẹn giờ. Bởi vì áp lực kiếm lợi nhuận đã lôi kéo nhiều nhà quản lý quỹ bắt tay và đổ vốn vào các công ty phát hành trái phiếu kém uy tín.
“Lòng tin của các nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị lung lay, nếu các công ty quản lý quỹ không đảm bảo được thanh khoản tài sản và có cơ chế quản trị rủi ro tốt”.