Bồi thường trước, BIC khởi kiện đòi thiệt hại sau

(ĐTCK) Sự kiện bảo hiểm xảy ra từ năm 2015 nhưng đến cuối năm 2018 vừa qua, tranh chấp giữa BIC và bên vận chuyển mới được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.

Tháng 11/2015, lái xe Lê Văn H. của Công ty T&C (có trụ sở tại Hải Phòng) điều khiển đầu kéo chở container lạnh 40” chứa 25 tấn hàng đông lạnh từ Hải Phòng đi Lạng Sơn giao hàng. Khi xe đến km5+100 tỉnh lộ 229 thì gặp đường cua cong, đường xấu nhiều ổ gà, do lái xe không làm chủ được tốc độ nên xe tự lật gây tổn thất.

Được biết, số hàng trên xe là của Công ty TNHH Nhã Phương, thuê Công ty T&C vận chuyển. Vào tháng 4/2015, Công ty Nhã Phương đã mua bảo hiểm hàng hóa vận chuyển của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) – chi nhánh Hải Phòng. Trong đó có hành trình từ Hải Phòng đến Lạng Sơn, vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy.

Ngày 9/11/2015, trước khi sự kiện lật xe xảy ra 1 tuần, BIC Hải Phòng đã cấp đơn bảo hiểm cho Công ty Nhã Phương.

Sau đó, BIC đã bồi thường cho Công ty Nhã Phương số tiền hơn 426 triệu đồng, phía Công ty Nhã Phương ký giấy biên nhận và thế quyền với nội dung Công ty Nhã Phương đồng ý chuyển quyền và thế nhiệm cho BIC Hải Phòng đòi Công ty T&C bồi thường thiệt hại liên quan đến chuyến vận chuyển nói trên.

Tiếp đó, BIC đã khởi kiện đòi Công ty T&C phải hoàn trả số tiền 370 triệu đồng sau khi trừ tiền bán thanh lý vỏ container, không đòi tiền lãi.

Quá trình giải quyết tại Tòa án, Công ty T&C thừa nhận việc nhận vận chuyển thuê cho Công ty Nhã Phương cũng như tai nạn gây tổn thất. Nhưng bên Công ty Nhã Phương cũng như BIC không thông báo gì cho công ty về thiệt hại thực tế và việc bồi thường.

Công ty T&C cho rằng, phía Công ty cần phải được tham gia giám sát quá trình bồi thường nhưng thực tế Công ty Nhã Phương và BIC đã tự định giá, tự giải quyết với nhau, bây giờ lại yêu cầu Công ty T&C thanh toán số tiền như vậy là không hợp lý.

Công ty T&C còn yêu cầu khôi phục vỏ container để giám định giá trị thiệt hại container và chấp nhận bồi thường theo kết quả giám đinh.

Phía BIC thừa nhận có lỗi trong việc giám định vỏ container nên chấp nhận mức bồi thường bằng 50% so với yêu cầu khởi kiện. Hiện vỏ container không còn nên không khôi phục và giám định được.

Được biết, sau khi tai nạn xảy ra, hãng tàu S.lines xác định rằng hư hỏng của container là quá nặng và không thể sửa chữa, xác định toàn bộ tổn thất đối với container là 18.000 USD chưa bao gồm thuế nhà thầu.

Tòa án cho rằng, hồ sơ vụ án cho thấy khi tiến hành giám định tổn thất vỏ containner, BIC và Công ty Nhã Phương không thông báo cho Công ty T&C biết để tham gia và chứng kiến việc giám định. BIC tự giám định, không thuê cơ quan có chuyên môn.

Như vậy, việc xác định giá trị tổn thất là chưa có căn cứ, chưa tuân thủ Luật Kinh doanh bảo hiểm, chưa tuân theo đơn bảo hiểm, hợp đồng vận chuyển.

Tòa án xác định BIC có lỗi trong việc giám định, xác định thiệt hại, Công ty T&C có lỗi khi lái xe không tuân thủ luật lệ an toàn giao thông dẫn đến tai nạn, Công ty Nhã Phương cũng có lỗi khi không thỏa thuận mức bồi thường với Công ty T&C.

Cho rằng BIC có lỗi lớn hơn, Tòa buộc BIC phải chịu 50% của số tiền thiệt hại 370 triệu đồng, phần còn lại hai Công ty T&C và Công ty Nhã Phương chia đôi.

Như vậy, Tòa tuyên Công ty T&C phải trả cho BIC số tiền 92 triệu đồng, BIC có quyền đòi Công ty Nhã Phương số tiền 92 triệu đồng còn lại.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục