Ông Trí là chủ tàu và là người mua bảo hiểm tàu cá của nhà bảo hiểm này.
Theo phản ánh, vào ngày 7/4/2018, tức 1 ngày sau thời điểm tàu cá bị chìm, ông Trí thông báo cho nhân viên bán bảo hiểm của Bảo hiểm Xuân Thành - Chi nhánh Đồng Tháp (tên Tâm), để yêu cầu nhà bảo hiểm cử người ra gấp hiện trường, vì lúc này tàu vẫn còn (nhưng 3 ngày sau sóng đã bị sóng đánh vỡ), song không nhận được hồi âm.
Gần 10 ngày sau, nhân viên giám định của Công ty TNHH Giám định Bảo Định (Badinco) mới ra Tiền Giang để thu nhận thông tin từ thuyền trưởng và các thuyền viên. Quá trình giám định kéo dài trong nhiều tháng.
"Đặc biệt, trong quá trình giám định, Badinco đã mắc nhiều lỗi như không ra hiện trường tàu đắm, không lập báo cáo hiện trường, lập biên bản khống về thành phần tham dự các cuộc họp giám định, lập báo cáo giám định không dựa trên tình hình thời tiết thực tế...
Tuy nhiên, Bảo hiểm Xuân Thành vẫn dựa vào kết luận giám định của Badinco để ra thông báo từ chối trả tiền bảo hiểm (này 22/10/2018), như vậy là sai nguyên tắc", ông Trí nói và cho biết thêm, việc Bảo hiểm Xuân Thành lấy lý do "tàu bị chìm là do bị phá nước nên không thuộc phạm vi bảo hiểm" của bên giám định để từ chối bảo hiểm cũng không hợp lý, bởi “phá nước” là từ địa phương, không phải là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản pháp luật liên quan tới bảo hiểm tàu.
"Nhà bảo hiểm cần điều tra nguyên nhân thực sự gây chìm tàu là gì, chứ không thể dựa trên yếu tố 'phá nước' để từ chối bồi thường bảo hiểm. Nếu không được làm rõ, tôi buộc phải kiện cả đơn vị giám định lẫn nhà bảo hiểm”, ông Trí nói.
Sáng ngày 13/3/2019, trong email gửi ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xuân Thành, ông Trí một lần nữa đề nghị xem lại quyết định từ chối bồi thường bảo hiểm. Chiều cùng ngày, lãnh đạo Bảo hiểm Xuân Thành đã phản hồi và cho biết, sẽ trực tiếp làm việc với khách hàng để giải quyết vụ việc.
Đến ngày 18/3/2019, tại email gửi khách hàng Đỗ Hồng Trí của Bảo hiểm Xuân thành có nêu, sau khi nhận được thông tin tổn thất, Công ty đã chỉ định Badinco tiến hành giám định.
Theo đó, việc đánh giá phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, cũng như kết quả giải quyết tổn thất được thực hiện theo đúng quy định (căn cứ vào Hợp đồng bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm, quy tắc bảo hiểm, các tài liệu đã thu thập được và báo cáo giám định cuối cùng của Badinco...).
“Ngày 22/10/2018, Công ty đã gửi khách hàng công văn thông báo giải quyết tổn thất và đến ngày 3/12/2018 có công văn phúc đáp đơn khiếu nại và làm rõ lý do từ chối bồi thường tổn thất. Hiện tại, chúng tôi vẫn bảo lưu kết quả giải quyết tổn thất tại thông báo số 131/2018/TB-XTI-GĐBT ngày 22/10/2018”, email trên viết.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Kiên, Trưởng Ban Bồi thường - Bảo hiểm Xuân Thành cho hay, sự vụ diễn ra ngày 6/4/2018, nhưng đến ngày 16/4/2018 mới nhận được thông báo tổn thất chính thức và ngày 18/4 Công ty đã cho giám định tổn thất.
Quá trình giám định kéo dài là do bên giám định cần có thời gian để lấy lời khai của các thuyền viên (tổng số là 13 người, đến từ nhiều nơi khác nhau), cũng như ghi nhận ý kiến của các bên lên quan. Hơn nữa, việc tiếp cận hiện trường ngay lập tức, nhất là với tai nạn xảy ra tại nơi xa xôi như hải đảo hay vùng biển quốc tế là không đơn giản.
Liên quan đến lý do từ chối bồi thường, ông Kiên cho biết, khách hàng Đỗ Hồng Trí mua bảo hiểm rủi ro định danh, nghĩa là chỉ bảo hiểm cho các rủi ro có trong bộ quy tắc bảo hiểm, trong đó không có rủi ro "phá nước".
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Trí thông tin, loại bảo hiểm mà ông mua là bảo hiểm rủi ro loại A, đồng nghĩa với việc bảo hiểm cho mọi loại rủi ro. Mặt khác, khi ký hợp đồng bảo hiểm, ông không nhận được bộ quy tắc bảo hiểm đính kèm và trong hợp đồng cũng không ghi rõ nên ông không biết về các điều khoản loại trừ.
Liên quan đến báo cáo giám định, theo khách hàng này, giám định viên đã "lạm quyền" khi đưa ra kết luận từ chối bồi thường, trong khi về nguyên tắc chỉ được xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất. Về điều này, đại diện Bảo hiểm Xuân Thành cho biết, giám định viên có quyền đưa ra kết luận dựa trên cơ sở đề xuất của nhà bảo hiểm.
Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình giải quyết. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả khi có diễn biến mới.
Theo tìm hiểu của người viết, "phá nước" được hiểu theo nghĩa thông thường của người dân đi biển là "nước vào trong tàu", được xem là kết quả gây ra từ lỗi tiềm ẩn trong tàu, chứ không phải nguyên nhân gây hỏng tàu. Ngoài ra, cụm từ này cũng chưa được nêu tại các văn bản luật liên quan đến bảo hiểm tàu.
Về sản phẩm bảo hiểm tàu cá, theo cựu lãnh đạo phụ trách mảng bảo hiểm tàu của một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, dù là sản phẩm bảo hiểm rủi ro loại A hay sản phẩm bảo hiểm mọi rủi ro cũng không có nghĩa là được bảo hiểm trong mọi trường hợp, mà vẫn có loại trừ. Điều quan trọng là trong bộ quy tắc, hợp đồng bảo hiểm phải ghi rõ các điểm loại trừ này để làm căn cứ từ chối bồi thường, nếu không sẽ khó có cơ sở để từ chối.