Vụ việc 3 người bị thiệt mạng và nhiều khách du lịch Việt Nam khác bị thương trong vụ đánh bom khủng bố ở Ai Cập mới đây thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là những người thích du lịch.
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, nhà bảo hiểm của vụ việc này là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, những hành khách cuối cùng trong đoàn khách trên đã về đến Việt Nam. Nhà bảo hiểm này đang tổng hợp các giấy tờ liên quan để hoàn tất thủ tục chi trả bảo hiểm cho các nạn nhân, những khoản đã chi trả trước đó chỉ là khoản tạm ứng ban đầu.
Do tham gia sản phẩm bảo hiểm du lịch của Bảo hiểm Bảo Việt thông qua đơn vị lữ hành là Saigontourist, 3 nạn nhân tử vong được đền bù bảo hiểm với khoản tiền trả một lần là 2,4 tỷ đồng/người.
Nhà bảo hiểm này cũng lo dịch vụ hồi hương thi hài và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh kèm theo một vé khứ hồi trị giá tối đa 120 triệu đồng. Ðối với trường hợp bị thương phải điều trị tại Ai Cập và Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ trả chi phí y tế thực tế phát sinh với hạn mức tối đa 2,4 tỷ đồng/người.
Câu chuyện bồi thường của Bảo hiểm Bảo Việt, cũng như các vụ bồi thường khác trên thị trường trong suốt thời gian qua cho thấy ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nói chung, bảo hiểm du lịch nói riêng trong việc hỗ trợ các nạn nhân không may gặp rủi ro.
Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đều bán bảo hiểm du lịch, với 2 dòng sản phẩm chính là bảo hiểm du lịch quốc tế và bảo hiểm du lịch nội địa, hình thức sản phẩm đa dạng, từ ngắn ngày (1-3 ngày) đến dài ngày (cả năm) tùy thuộc vào nhu cầu đi lại của khách hàng, mức phí linh hoạt, dao động từ 100.000 đồng/người/chuyến đối với chuyến ngắn ngày và vài triệu đồng/người/chuyến đối với chuyến dài ngày.
Hiện không có số liệu thông kê chi tiết về doanh thu phí bảo hiểm từ bảo hiểm du lịch, nhưng theo các công ty bảo hiểm, con số này rất khiêm tốn. Ðiều này cho thấy, có nhiều người không mua bảo hiểm du lịch cho chuyến đi của mình, đặc biệt trong việc tự tổ chức đi.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một hướng dẫn viên du lịch có thâm niên cho biết, có nhiều lý do khiến khách du lịch không mua bảo hiểm, trong đó có việc không nhận thấy quyền lợi rõ ràng hoặc để tiết kiệm chi phí chuyến đi...
Theo nhân viên này, đa phần khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả, hành trình, các tiện ích, chất lượng nơi đến..., chứ ít ai quan tâm đến việc phòng vệ rủi ro. Nếu có mua, khách hàng chỉ chọn những gói bảo hiểm có mức phí thấp để tránh phát sinh chi phí.
“Khi đi du lịch, ngoại trừ trường hợp đi du lịch qua tour đều được các công ty lữ hành mua bảo hiểm, các trường hợp đi du lịch tự túc thường không mua bảo hiểm, một phần do không biết hoặc không muốn mất thêm chi phí, nhất là với những người đi du lịch theo hình thức tiết kiệm”, hướng dẫn viên này nói.
Liên quan đến bảo hiểm theo vé máy bay, chị Thu Huyền - nhân viên một phòng vé tại Hà Nội cho biết, trên thực tế, ngay cả những trường hợp thường xuyên đi du lịch cũng không nhiều người biết trên vé máy bay đã có bảo hiểm hay chưa, nếu có thì đó là loại bảo hiểm gì, nếu mua có bị trùng lắp hay không, phạm vi bảo hiểm và mức độ chi trả bảo hiểm ra sao nếu không may gặp tai nạn...?
Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên kinh doanh của Saigontourist cho biết, trên vé máy bay của hầu hết các hãng hàng không đều đã tích hợp quyền lợi bảo hiểm do hãng bay tự chi trả. Tuy nhiên, mỗi hãng hàng không có quy định về bồi thường, cũng như mức bồi thường khác nhau trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro tai nạn.
“Dẫu vậy, hành khách chỉ được bảo vệ trong chuyến bay và cũng chỉ giới hạn ở một số rủi ro nhất định. Nếu muốn được bảo hiểm trong suốt hành trình và mở rộng quyền lợi thì hành khách phải mua thêm bảo hiểm du lịch - là sản phẩm tự nguyện được cung cấp bởi các nhà bảo hiểm”, nhân viên này nói.
Ngoài các vấn đề trên, việc bảo hiểm du lịch không phải là sản phẩm mang tính bắt buộc cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm này chưa "đắt khách", nhất là khi khách du lịch tới các nước không yêu cầu về visa hoặc bảo hiểm du lịch nước ngoài.