Dự báo này diễn ra vài ngày sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy hầu hết 19 quan chức hàng đầu của Fed đều cảm thấy thích hợp để bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng trong năm nay.
Chương trình mua Trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp mỗi tháng của Fed đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính trong đại dịch, bằng cách giữ cho thị trường thanh khoản và các điều kiện tín dụng lỏng lẻo, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Với việc trẻ em trên toàn nước Mỹ dự kiến sẽ trở lại lớp học vào mùa Thu này, điều này được kỳ vọng sẽ giải phóng được nhiều phụ huynh quay trở lại lực lượng lao động, Fed cũng có thể ngày càng sẵn sàng để bắt đầu quá trình cắt giảm quy mô mua tài sản.
“Biên bản FOMC tháng 7 đã thay đổi trường hợp cơ sở của chúng tôi về dự báo thời điểm Fed cắt giảm chương trình mua tài sản, kéo mốc thời gian xuống khoảng hai tháng từ tháng 1/2022 về tháng 11/2021, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng về việc Fed sẽ di chuyển chậm hơn và sẽ phụ thuộc vào dữ liệu”, nhóm chiến lược gia Meghan Swiber tại BofA Research viết trong một ghi chú hôm thứ Sáu (20/8).
Nhóm nghiên cứu cho biết, mặc dù thời điểm cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ là một chìa khóa quan trọng, nhưng tốc độ và thành phần của việc cắt giảm cũng đóng vai trò quan trọng tương tự.
Nhóm nhà phân tích của BofA Global lập luận rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ tiếp tục hướng tới mục tiêu của Fed là "tiến bộ đáng kể hơn" từ những cú sốc tồi tệ nhất của đại dịch năm ngoái, nhưng bất kỳ quyết định nào của Fed về việc rút lại chính sách hỗ trợ tiền tệ sẽ vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Hôm thứ Sáu (20/8), Chủ tịch Fed Dallas, Rob Kaplan nói với Fox Business Network rằng, ông có thể suy nghĩ lại lời kêu gọi Fed nhanh chóng bắt đầu giảm lượng mua tài sản hàng tháng nếu như sự lây lan của biến thể delta đang làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù chương trình mua tài sản với quy mô lớn của Fed là cứu cánh cho các thị trường tài chính nhưng cũng đã thu hút nhiều sự chỉ trích. Một số chuyên gia lo ngại chính sách tiền tệ của Fed đã làm xói mòn định giá dựa trên rủi ro trên thị trường, điều này có thể tạo ra bong bóng và thúc đẩy sự phục hồi không đồng đều vì tài sản tích lũy được phần lớn là của người giàu chứ không phải người nghèo khi giá cổ phiếu, tài sản tài chính và giá nhà đã lập mức cao kỷ lục trong thời kỳ đại dịch.