BoE tiếp tục giữ nguyên lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (19/12), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính ở mức 4,75% sau hai lần cắt giảm lãi suất trước đó.
BoE tiếp tục giữ nguyên lãi suất

"Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững…Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận dần dần đối với việc cắt giảm lãi suất trong tương lai vẫn đúng, nhưng với sự bất ổn gia tăng trong nền kinh tế, chúng tôi không thể cam kết khi nào hoặc sẽ cắt giảm bao nhiêu lãi suất trong năm tới", Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết.

Các số liệu chính thức được công bố trong tuần này cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Anh đã tăng lên 2,6% vào tháng 11, cao hơn một chút so với dự báo của chính BoE vào tháng trước.

BoE cho biết: "Lạm phát toàn phần dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới".

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho quý cuối năm nay xuống còn 0 từ mức dự báo 0,3% chỉ sáu tuần trước.

Andrew Wishart, nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg cho biết: "Áp lực giá dai dẳng sẽ ngăn BoE ứng phó với sản lượng đi ngang và tình trạng việc làm giảm bằng cách cắt giảm lãi suất".

Suren Thiru, giám đốc kinh tế tại Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales cho biết: "Quyết định giữ nguyên lãi suất của ngân hàng trung ương mặc dù đã được dự đoán trước, nhưng vẫn sẽ là một đòn giáng mạnh vào các hộ gia đình đang phải vật lộn với các hóa đơn thế chấp nặng nề và các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng vọt sau ngân sách mùa thu".

Cũng có ít nhà kinh tế cho rằng BoE sẽ giảm mạnh lãi suất vào năm 2025. Bức tranh tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đưa ra quan điểm thận trọng về việc cắt giảm vào năm tới sau động thái cắt giảm lãi suất mới nhất trong cuộc họp chính sách tuần này.

Tuy nhiên, lạm phát ở Anh và trên toàn thế giới vẫn thấp hơn nhiều so với vài năm trước, một phần là do các ngân hàng trung ương đã tăng mạnh chi phí đi vay từ mức gần bằng 0 trong đại dịch khi giá cả bắt đầu tăng vọt, đầu tiên là do các vấn đề về chuỗi cung ứng và sau đó là do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã đẩy chi phí năng lượng lên cao.

Khi tỷ lệ lạm phát giảm từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, mặc dù rất ít nhà kinh tế cho rằng lãi suất sẽ giảm trở lại mức cực thấp đã tồn tại trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục