Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ hơn 746.000 liều vắc-xin Comiranty của Pfizer được cung ứng trong tháng 7. Số vắc-xin này được phân bổ tới 63 tỉnh, thành phố, lực lượng công an, quân đội và 21 bệnh viện, viện, trường học trực thuộc Bộ Y tế.
Vắc-xin được chia thành 4 đợt. Trong đó đợt 1 và 2 có 97.110 liều/đợt, đợt 3 có gần 228.00 liều, đợt 4 có hơn 325.200 liều.
Tính tổng cả 4 đợt, TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với gần 55.000 liều, Hà Nội hơn 38.000 liều, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh gần 26.000 liều.
Trong số các bệnh viện và các viện trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương nhận được nhiều nhất, với hơn 15.200 liều/bệnh viện. Bệnh viện Nhi Trung ương được phân bổ hơn 14.000 liều, Bệnh viện E hơn 12.870 liều. Ở khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện y học TP.HCM và Viện Pasteur TP.HCM được phân bổ 10.500-14.000 liều.
Bộ Y tế giao Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vắc-xin tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ tới 63 tỉnh/thành phố và lực lượng công an, quân đội.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp nhận, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc-xin được phân bổ theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và các quyết định của Bộ Y tế.
Hiện nay các địa phương đang đồng loạt triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19. Tại Hà Nội, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm (từ 18-65 tuổi) là hơn 5,1 triệu người. Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nếu nguồn cung vắc-xin bảo đảm, Hà Nội sẽ phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.
Hà Nội cũng chủ động triển khai 824 điểm tiêm chủng, 1.000 dây chuyền tiêm chủng, mỗi dây 200 mũi/ngày, đồng thời huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng…
Hiện tất cả các phường, xã của Hà Nội đều đã tiến hành đăng ký tiêm chủng cho người dân. Theo đó, người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin bằng 2 cách là đăng ký bản giấy tại phường, xã, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên Sổ sức khỏe điện tử hoặc đăng ký online trực tiếp trên Sổ SKĐT và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Tại TP.HCM, dự kiến hoạt động tiêm chủng sẽ được diễn ra trong thời gian từ 2-3 tuần. Thành phố dự kiến sẽ lập điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận huyện và mỗi quận huyện sẽ tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm chủng khác.
TP.HCM sẽ tổ chức 630 điểm tiêm chủng trong đợt này, dự kiến tiêm cho 120 người/điểm tiêm/ngày. Bộ Y tế cho biết, sẽ điều tới TP.HCM 30 xe tiêm lưu động đặc chủng có sẵn thùng đựng vắc xin theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin, bàn tiêm. Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, tiêm hết hẻm này thì sang hẻm khác.
Liên quan tới việc tiêm phối trộn các loại vắc-xin với nhau, ngày 12/7, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo mọi người không nên trộn và kết hợp vắc-xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau. Bà gọi đó là một “xu hướng nguy hiểm” vì có rất ít dữ liệu về tác động sức khỏe của việc kết hợp này.
Trong khi đó Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO cho rằng các nước giàu không nên ra lệnh tăng cường tiêm vắc-xin cho những người đã tiêm trong khi các nước khác chưa có vắc-xin để tiêm. Ông cho biết số ca tử vong vì Covid lại tăng lên, biến thể Delta trở nên áp đảo và nhiều nước chưa nhận đủ vắc-xin để bảo vệ nhân viên y tế của mình.