PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng |
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Hội nghị lần 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định cần phải rà soát hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn - là một nội dung quan trọng.
Vào ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới (Hay còn gọi là Đề án 198).
Trong đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, những tiêu chuẩn, quy chuẩn này đã gặp những điểm bất cập không hợp lý, lạc hậu, vì vậy, Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện những quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành này.
Nói về tiến độ quy hoạch và điều chỉnh lại các tiêu chuẩn quy hoạch, ông Ngọc Anh cho biết, Bộ Xây dựng và các bộ ngành khác cũng đã gần xong, có 28 bộ quy chuẩn của tất cả Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng có 9 quy chuẩn. Kết quả của việc rà soát, định hướng sẽ rút còn 11 quy chuẩn, trong đó Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn 9 quy chuẩn.
Toàn cảnh Tọa đàm Đề án hoàn thiện hệ thống TCQC kỹ thuật xây dựng và định hướng ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới |
Ông Ngọc Anh cho biết thêm, về hệ thống tiêu chuẩn, trên cơ sở tiêu chuẩn cốt lõi, xương sống như kết cấu, nền móng, tải trọng công trình, an toàn chịu lực sẽ thống nhất, biên soạn sẽ chọn theo hướng mới, theo tiêu chuẩn châu Âu, biên soạn cốt lõi dựa trên nền tảng châu Âu. Các tiêu chuẩn khác như vật liệu xây dựng, hoàn thiện, phương pháp thử… đi theo hướng của tiêu chuẩn cốt lõi.
Về nhiệm vụ trong Đề án, trong năm 2021 - 2022, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì biên soạn 145 tiêu chuẩn cốt lõi. Gần 1.000 tiêu chuẩn sẽ sớm được ban hành, hoàn thiện, biên soạn, cập nhật và hoàn thiện trong năm 2030. Hơn hết, gần 1.000 tiêu chuẩn sau khi biên soạn sẽ được xếp vào thành 8 bộ, 8 bộ tiêu chuẩn từ những vấn đề chung như quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc… và khảo sát, thiết kế sẽ được mã số, quản lý dễ dàng và dễ tra cứu.
"Theo quy định, quy chuẩn là bắt buộc áp dụng, tiêu chuẩn là khuyến khích. Khi tiêu chuẩn được đưa vào khung để phê duyệt và bắt buộc các đơn vị thực hiện. Các quy định trong tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn sinh mạng, an toàn môi trường mới được đưa vào nghiệm thu, sử dụng. Tiêu chuẩn xuất phát từ quy chuẩn, ngưỡng tối thiểu của tiêu chuẩn là tuân thủ", ông Ngọc Anh nói.
Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Ngọc Anh cho biết, trong việc phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng... thì vật liệu được sử dụng đó phải được áp dụng theo tiêu chuẩn. Bộ Xây dựng đã có quy chuẩn 09 về sử dụng năng lượng hiệu quả, thiết kế công trình ra sao, tuân thủ các tiêu chí như thế nào, thông số kỹ thuật được quy định cụ thể.
Riêng mảng Vật liệu xây dựng cũng sẽ có những quy định như phải thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên... như đề án gạch không nung và nhiều đề án khác nhằm đảm bảo sử dụng trong các công trình. Thực tế, việc ban hành tiêu chuẩn cho vật liệu, sau đó ban hành tiêu chí đánh giá thân thiện, xanh... vẫn còn thiếu. Vì thế, định hướng mới trong đề án sẽ bổ sung, hoàn thiện.
Về tiến độ hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2030, ông Ngọc Anh cho biết thêm, Bộ Xây dựng sẽ đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn như chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt là về do Bộ quản lý chuyên ngành năng lực và số lượng người có hạn. Hiện các cơ quan chuyên ngành như các viện nghiên cứu đều theo mô hình tự chủ, nên ngoài chuyên môn còn có các hoạt động khác.
Ngoài ra, hiện đang thiếu vắng nguồn nhân lực các nhà khoa học, đó là điều khó khăn. Đây sẽ là vấn đề sắp tới Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan để giải quyết sớm vấn đề này.