Bộ Xây dựng: Nhà ở xã hội vẫn là tâm điểm chính sách

(ĐTCK) Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhờ việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Tính đến hết năm 2014, cả nước có tổng cộng 3.978 dự án phát triển đô thị Tính đến hết năm 2014, cả nước có tổng cộng 3.978 dự án phát triển đô thị

Giá nhà đã ổn định

Tại một hội thảo về thị trường bất động sản diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, giá nhà ở trong tháng 5 tiếp tục ổn định. Với những dự án chuẩn bị hoàn thành bàn giao, dự án có tiến độ thi công nhanh, vị trí đẹp, hạ tầng tốt, giá chào trên thị trường thứ cấp tăng từ 3-5% so với giá ban đầu. Các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ, giá bán không tăng.

Phân khúc nhà liền kề, biệt thự Hà Nội tại một số khu vực cũng tăng giá nhẹ trên thị trường thứ cấp. Nhiều căn nhà đã giảm giá sâu từ những năm trước, nay đang có xu hướng tăng giá. Nhà riêng lẻ, đất nền trong các khu dân cư cũng có hiện tượng tăng giá nhẹ tại một số khu vực hạ tầng giao thông tốt như khu vực quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân…

Tại TP. HCM, giá nhà ở cũng khá ổn định, phân khúc chung cư diện tích nhỏ và đất nền ở những khu vực có hạ tầng tốt, giá tăng từ 2 - 5%...

Cũng theo ông Hà, tồn kho BĐS đã giảm đáng kể. Tại thời điểm 20/5/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS vào khoảng 67.443 tỷ đồng, giảm 1.338 tỷ đồng so với thời điểm 20/4/2015. Còn so với thời điểm cuối quý I/2013, tổng giá trị tồn kho đã giảm 61.105 tỷ đồng, tương đương mức giảm 47,53%.

Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến 31/3/2015 đạt 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014 và tăng 2% so với thời điểm 28/2/2015. Tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 3/2015 là 5,61%.

Kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2015 đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu. Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng, đã giải ngân 7.155 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, ký hợp đồng, cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng; đối với tổ chức, cam kết cho vay 38 dự án với số tiền là 5.079 tỷ đồng... 

Nhà ở xã hội vẫn là trọng tâm

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết năm 2014, cả nước có tổng cộng 3.978 dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư với tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 101.391 héc-ta. Trong đó, đất xây dựng nhà ở theo quy hoạch là 35.883 héc-ta, đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch khoảng 2.354 héc-ta; tổng diện tích nhà ở theo quy hoạch hơn 462 triệu m2 sàn, tương đương gần 3 triệu căn hộ.

Trên cơ sở nhu cầu thực tế và để thiết lập lại cán cân cung - cầu, các địa phương đã rà soát và bước đầu phân loại lại các dự án. Theo đó, có 3.172 dự án, với diện tích xây dựng nhà ở khoảng 29.268 héc-ta (chiếm gần 82%) được tiếp tục triển khai.

Bộ Xây dựng cho rằng, các đô thị càng lớn thì nhu cầu về nhà ở xã hội càng cao. Trong số này, TP. HCM dẫn đầu với nhu cầu 134.000 căn nhà ở xã hội, tiếp đến là Hà Nội 111.200 căn, Bình Dương 104.000 căn, Đà Nẵng khoảng 16.000 căn và Đồng Nai 95.000 căn. Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội cần khoảng 30.000 căn.

Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Hà cho biết, đến nay mới chỉ có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở (điều chỉnh), còn các địa phương khác vẫn đang tiến hành lập và sẽ phê duyệt trong năm 2015.

Hiện cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án dành cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.680 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng; 64 dự án cho công nhân, quy mô xây dựng 20.270 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. 150 dự án đang được tiếp tục triển khai, trong đó có 91 dự án dành người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 28.500 tỷ đồng; 59 dự án dành cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.

Ông Hà nhận định, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP là hoàn toàn đúng đắn; vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở, là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, nhân văn sâu sắc.

Những khó khăn của thị trường BĐS mới giải quyết được bước đầu, rất cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Minh Nhật
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục