Công văn số 448 của Bộ Xây dựng nêu rõ, việc Ngân hàng Nhà nước thông báo dừng giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 1/6 năm nay là đúng nhưng khiến cho khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm 1/6/2016 chưa được giải ngân thì lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất thỏa thuận đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn trong dư luận và người được vay vốn.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa ký công văn gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nếu không thể kéo dài thì những người đã được cam kết cho vay mua nhà ở xã hội được tiếp tục vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất.
Công văn số 448 của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Phạm Hồng Hà ký gửi Ngân hàng Nhà nước ngày 15/3/2016, nêu rõ, việc Ngân hàng Nhà nước thông báo dừng giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 1/6 năm nay là theo đúng Thông tư số 11 ban hành từ năm 2013 để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu khi đó. Việc dừng giải ngân cũng phù hợp với quy định của pháp luật về tín dụng hiện hành.
Tuy nhiên, thông tin này khiến cho khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà sau thời điểm 1/6/2016 chưa được giải ngân thì lãi suất cho vay sẽ được tính theo lãi suất thỏa thuận đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn trong dư luận và người được vay vốn.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, sau 3 năm triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã gần hoàn thành lộ trình đặt ra, tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%).
Với tiến độ giải ngân như các tháng gần đây, dự kiến đến thời điểm 1/6/2016, các ngân hàng sẽ giải ngân được khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng. Theo đó, số lượng vốn trong gói tín dụng này dự kiến giải ngân sau 1/6 năm nay không nhiều.
Gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, hoàn thành sứ mệnh của mình thì theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cũng đã quy định việc dành một khoản tín dụng ưu đãi thường xuyên cho việc phát triển nhà ở xã hội. Các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước hiện đang khẩn trương triển khai thực hiện quy định này.
Từ những phân tích này, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói hỗ trợ này thì kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, để bảo đảm nhất quán và ổn định đối với chính sách hỗ trợ nhà ở.
Trường hợp không thể kéo dài thời hạn giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn giải quyết theo hướng, sau thời hạn 1/6/2016 thì các khách hàng vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đã được cam kết cho vay vốn ưu đãi mà chưa giải ngân hết thì được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 25 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản; lượng giao dịch hàng hóa ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp; cơ cấu sản phẩm nhà ở đã từng bước được điều chỉnh theo hướng phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng. Đặc biệt, đã hỗ trợ cho khoảng gần 50.000 hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở có điều kiện cải thiện nhà ở, góp phần thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.