Ông Dũng cho biết, trên thế giới, ngay cả những nước có thu nhập bình quân đầu người mỗi năm 30.000-40.000 USD, thậm chí là 50.000 USD, đã có lịch sử phát triển nhà ở xã hội nhiều thập kỷ, đến nay vẫn tiếp tục thực hiện công việc này vì phát triển nhà ở xã hội là chiến lược dài hạn, thực hiện liên tục nhiều chục năm chứ không phải 5-7 năm hay vài chục năm đã xong.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt Nam hiện mới đạt khoảng 2.000 USD và chính sách phát triển nhà ở xã hội cũng mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.
Cụ thể, tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Chiến lược nhà ở quốc gia. Trên cơ sở Chiến lược này, năm 2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội. Năm 2013, Hiến pháp mới quy định về quyền nơi ở của người dân, trong đó quy định trách nhiệm của Nhà nước là phải có chính sách để cải thiện nhà ở cho người dân. Nhưng cũng phải đến năm 2014, Luật Nhà ở mới có quy định cụ thể về phát triển nhà ở xã hội.
“Các chính sách phát triển nhà ở xã hội của nước ta có quan điểm đổi mới rất căn bản, rất khoa học và nhân văn. Đó là quy định phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của doanh nghiêp mà là của toàn xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò là trọng tâm. Nhưng tất cả các cơ chế, chính sách cũng chỉ ở giai đoạn bắt đầu thực thi và vẫn phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện”, ông Dũng nhấn mạnh.
Mặc dù chính sách phát triển nhà ở xã hội mới chỉ bắt đầu thực hiện, nhưng hiện tại nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Nguyên... đã xây dựng được một số khu nhà ở cho công nhân thuê, thuê mua phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và “túi tiền” của người sử dụng. “Với các chính sách đã ban hành và sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới, trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều khu nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu của người dân khi mà cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng nhau vào cuộc”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng.
“Có thể nói, chương trình nhà ở xã hội tuy mới bắt đầu, nhưng đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, minh chứng là hiện nay đã có hàng chục ngàn người được tiếp cận với nhà ở xã hội. Những người đang sống trong các khu nhà ở xã hội đã cải thiện căn bản về nhà ở”, ông Dũng nói thêm.
“Tư lệnh” ngành xây dựng cũng thừa nhận rằng, muốn phát triển nhà ở xã hội phải coi đây là chương trình, nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì khả năng ngân sách nhà nước có hạn, khách hàng tuyệt đại đa số là những người có thu nhập thấp và lĩnh vực này không có nhiều lợi nhuận nên khó khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn ra để đầu tư.
“Thành công về phát triển nhà ở xã hội mới chỉ là bước đầu. Để tiếp tục thực hiện chương trình này cần có sự tập trung rất lớn, cần có nhiều giải pháp rất cụ thể. Trước mắt là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng. Thứ hai là Nhà nước phải giữ vai trò trung tâm, đặc biệt là vai trò của các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ, nhưng phải coi chính quyền địa phương các cấp giữ vai trò quyết định, vì đất đai, thủ tục, đầu tư, quy hoạch... đều được phân cấp cho địa phương”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói thêm.
Về vai trò cụ thể của Nhà nước, theo ông Dũng, trước mắt cần phải có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, tín dụng và phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ tín dụng cho người dân mua nhà ở xã hội.
“Tất cả các chính sách phải thực hiện đồng bộ, lâu dài, ổn định, đặc biệt là gói tín dụng dành cho người mua nhà ở xã hội phải thực hiện trong thời gian rất dài với nhiều ưu đãi về cơ chế cho vay, lãi suất hấp dẫn, thời gian vay đủ dài để người dân có khả năng trả nợ dần dần vì tuyệt đại đa số người mua nhà ở xã hội có nguồn thu nhập rất hạn chế, thậm chí còn bấp bênh khi kinh tế gặp khó khăn”, ông Dũng nhấn mạnh.