Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Khó cũng phải phát hành trái phiếu

(ĐTCK) “Nếu chỉ gói ghém đầu tư trong phạm vi các nguồn lực hạn chế tích lũy được, mà không dám vay vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), thì khó có thể phát triển…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trao đổi với ĐTCK.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên

Các đại biểu Quốc hội quan ngại nợ công đang tăng nhanh. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là lượng vốn huy động qua kênh phát hành TPCP tăng nhanh. Chính phủ có giải pháp gì để vừa kiểm soát nợ công trong giới hạn an toàn cho phép, vừa đảm bảo nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, thưa ông?

Chúng tôi có nghe sự băn khoăn, thậm chí lo lắng của người dân và công luận về vấn đề nợ công. Tuy nhiên, cần khẳng định việc phát hành TPCP là cần thiết, để có vốn chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo an toàn nợ công, hạn mức phát hành TPCP hàng năm đều được tính toán kỹ lưỡng và Chính phủ triển khai trên cơ sở kế hoạch được Quốc hội thông qua.

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo Nghị quyết 10/2013 của Quốc hội, đến năm 2015, nợ công không quá 65% GDP. Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, dự kiến cuối năm 2014 khoảng 60,3% GDP. Chỉ tiêu này nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian qua, do yêu cầu chi ngân sách tăng mạnh, phải dành nguồn kinh phí lớn cho thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương…, nên nguồn ngân sách nhà nước còn lại để bố trí cho trả nợ và đầu tư phát triển rất hạn hẹp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là rất lớn. Do đó, giai đoạn 2011-2015, phải phát hành 335.000 tỷ đồng TPCP, gấp hơn 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010. Điều này làm cho nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên khoảng 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và dự kiến tăng lên 64% GDP vào cuối năm 2015. Trong bối cảnh này, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định. 

Nợ công tăng nhanh chủ yếu do tăng phát hành TPCP. Để giảm áp lực lên nợ công, Chính phủ có tính đến việc cắt giảm lượng phát hành TPCP trong thời gian tới hay không?

Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành TPCP ngắn hạn, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn. Năm 2012, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 2,9 năm, lãi suất bình quân 10%/năm; năm 2013 là 3,4 năm và 7,96%/năm; 10 tháng đầu năm 2014 là 4,84 năm và 6,81%/năm.

Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần rất nhỏ còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước, nhưng chủ yếu cũng được sử dụng cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi cho sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).

Nhiều công trình quan trọng về giao thông, điện, nước… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Đơn cử như chia sẻ của đại diện Tập đoàn Samsung, nếu Việt Nam không đầu tư đường cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên, thì họ không đầu tư lớn vào Thái Nguyên đến như vậy. 

Tiếp tục duy trì lượng vốn huy động lớn qua phát hành TPCP nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng, như phân tích của ông là cần thiết, nhưng làm thế nào để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí như quan ngại của một số đại biểu Quốc hội, thưa ông?

Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn TPCP hiện nay được kiểm soát chặt chẽ, công khai, đảm bảo hiệu quả, không có chuyện sử dụng nguồn vốn này tùy tiện, lãng phí.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm trong giới hạn cho phép; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định, phấn đấu giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016-2020, để đến năm 2020, nợ công khoảng 60,2% GDP.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục