Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần đầu tư cao, “không thể tay không bắt chip”

0:00 / 0:00
0:00
Giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị được gì và sẽ làm thế nào để thực hiện được nhiệm vụ này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình

Hồi âm quan tâm của đại biểu về vấn đề rất mới là trong thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn “mong rằng phải có một sự đầu tư cao, nếu không thì không thể tay không bắt chip trong lĩnh vực này”.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế, xã hội. Từ phiên thảo luận chiều 31/10 cho đến sáng nay, một vấn đề được đại biểu quan tâm là tạo động lực tăng trưởng mới từ đổi mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có thông tin giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), cần có các chiến lược, chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới. Không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa và hội nhập mà các ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp về căn bản vẫn dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp.

“Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn mà trong thời gian 10-15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình, chúng ta không thể trở thành các quốc gia phát triển. Phải vươn lên các phân khúc cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí phải đóng vai trò dẫn dắt, làm chủ một số chuỗi cung ứng. Đó chính là thách thức rất lớn đối với chúng ta. Để làm được điều này thì rất cần có những quyết sách chiến lược tầm quốc gia của cả Quốc hội và Chính phủ”, theo ông Lộc.

“Giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị được gì và sẽ làm thế nào để hệ thống giáo dục đại học thực hiện được nhiệm vụ, theo tôi là rất lớn và rất khó này”, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đặt vấn đề.

Hồi âm quan tâm của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, ngành giáo dục và đào tạo nhận thức đây là một trọng trách của ngành, một sứ mệnh để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đổi mới cách đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Chúng tôi đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng và đã lên kế hoạch để triển khai trong lĩnh vực này, với dự đoán cần 50.000-100.000 nhân lực, trong đó yêu cầu nhiều trình độ và nhiều nhóm chuyên môn, ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn”, ông Sơn nói.

Theo Bộ trưởng, hiện nay có tới 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này. Trong đó, các lĩnh vực gần như về công nghệ thông tin, về điện tử, viễn thông, là những lĩnh vực sinh viên có chuyển đổi, bổ túc thì có thể có ngay những nhân lực đảm nhiệm trong lĩnh vực đó.

Các trường đã tổ chức một mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình và ngày 19/10 vừa rồi tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một hội nghị để triển khai công việc quan trọng nói trên và đang tăng cường những điều kiện từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để có thể đảm nhiệm được lượng công việc này, Bộ trưởng cho hay.

Thông tin tiếp theo từ Bộ trưởng là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký một hiệp định với Intel và với nhiều doanh nghiệp để vừa xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm cũng như có những đào tạo cho sát để tránh việc ào ào đào tạo rồi cuối cùng lại thừa, đó là một chuyện không tốt.

Dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển khoảng trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20-30% hàng năm, ông Sơn thông tin cụ thể hơn.

“Với một sự tập trung cao độ giải quyết các vướng mắc, đến năm 2030, con số như dự kiến là có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, cũng mong rằng phải có một sự đầu tư cao, nếu không thì không thể tay không bắt chip trong lĩnh vực này và cũng cần Quốc hội, Chính phủ đầu tư các phòng thực hành thì mới có thể đáp ứng được’, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hồi âm đại biểu.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục