Sáng 21/5 Quốc hội thảo luận phiên cuối về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trước khi bấm nút thông qua vào ngày 16/6 tới đây.
Những vấn đề được các vị đại biểu tập trung thảo luận vẫn là có nên quy định hộ kinh doanh ở luật này hay không, sửa đổi doanh nghiệp nhà nước như thế nào, giữ hay bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp.
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như Luật hiện hành.
Riêng về doanh nghiệp nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như Chính phủ đã trình.
Ý kiến tại phiên thảo luận vẫn còn khác nhau về ba vấn đề trên. Bên cạnh các vị đồng tình với phương án được Uỷ ban Thường vụ báo cáo, một số đại biểu khác cho rằng rất cần thiết phải đưa hộ kinh doanh vào luật này, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu và nên giữ nguyên khái niệm doanh nghiệp nhà nước như hiện hành.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cả hai loại ý kiến nên và chưa nên luật hoá hộ kinh doanh đều có lý. Tuy nhiên nếu làm luật riêng thì mất ít nhất ba năm, còn đưa thành một chương của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì chỉ có lợi cho hộ kinh doanh mà thôi. Đó là sẽ khẳng định định danh cho loại hình của hộ kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho các họ và áp dụng được các chương trình hỗ trợ.
Việc đưa hộ kinh doanh vào luật cũng bãi bỏ một số rào cản đang cản trở hoạt động của các hộ để hoạt động có hiệu quả hơn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn và không phát sinh các thủ tục hành chính.
Tác dụng nữa được Bộ trưởng nhấn mạnh là sẽ tạo động lực thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động động theo loại hình doanh nghiệp thì phải chuyển thành doanh nghiệp.
Quy định hiện hành là hộ kinh doanh chỉ được sử dụng không quá 10 lao động nhưng thực tế có nhiều hộ kinh doanh có quy mô rất lớn, đã có hộ sử dụng hàng trăm lao động, doanh thu hàng ngàn tỷ mà hoạt động theo Luật Hợp tác xã, khoán thuế chứ không hoạt động lành mạnh, áp dụng theo Luật doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về quy định bỏ thủ tục thông báo con dấu, Bộ trưởng nói rõ là, năm 2014 Luật Doanh nghiệp đã bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có dấu, doanh nghiệp tự khắc dấu và có mấy con dấu là tuỳ họ.
Lần sửa đổi này chỉ bỏ một thủ tục thông báo mẫu dấu chứ không phải bỏ con dấu, có hay không vẫn hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định, bỏ thông báo chỉ là thủ tục và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ trưởng trình bày.
Về sửa đổi khái niệm doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ trưởng quy định Doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như Chính phủ đã trình là nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW.
Khi soạn thảo đã đưa rất nhiều phương án, nhà nước nắm giữ trên 35%, trên 50%, trên 65% nhưng cuối cùng chọn phương án trên 50% là đã đảm quyền chi phối của nhà nước và phù hợp với cam kết quốc tế, Bộ trưởng cho biết thêm.
Hồi âm ý kiến đại biểu về cơ chế giám sát, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu trong hướng dẫn thi hành luật, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn có quy định riêng và nắm giữ 50% trở lên có quy định riêng, như vậy vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp hoat động bình thường và đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.