Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đây là dự thảo được hoàn thành ngày 29/4/2020, sau khi đã tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (cuối năm 2019), của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2020 và của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo này vẫn bao gồm hộ kinh doanh và có một chương riêng (chương VIIa) quy định về hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, ở dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn để cả hai loại ý kiến luật hoá và không luật hoá hộ kinh doanh tại luật này.
Theo đó, các ý kiến nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nêu 3 lý do.
Một, nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Hai, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết . Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh.
Ba, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Các ý kiến đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh cũng đưa ra 3 lý do.
Thứ nhất, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Thứ hai, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.
Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới . Hơn nữa, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận loại hình này là một chủ thể trong giao dịch dân sự.
Thứ ba, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, vì vậy cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Sau khi hoàn thiện thêm từ ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận trong một phiên toàn thể, trước khi bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc ngày 20/5 tới đây.