Bộ trưởng Lao động: Giảm thời gian làm việc xuống 44 giờ/tuần, GDP giảm 0,5%

Giải trình về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thời gian làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nêu nhiều con số tính toán: chi phí lao động sẽ tăng 18%, kim ngạch xuất khẩu giảm 20 tỷ USD, GDP giảm 0,5% mỗi năm…
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận. Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận.

Giải trình thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 23/10, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, cơ quan soạn thảo thống kê được 170 ý kiến thảo luận tại tổ, 79 ý kiến đại biểu góp ý về dự thảo luật tại kỳ họp trước.

Vòng thảo luận hôm nay có 53 ý kiến các đại biểu Quốc hội, đề cập 22 nội dung khác nhau. Các ý kiến rất toàn diện, sâu sắc và rất chất lượng. Bộ trưởng hứa sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng.

Ông Dung khái quát, việc sửa Bộ luật Lao động lần này thu hút sự quan tâm của người dân, tổ chức, doanh nghiêp và các tổ chức quốc tế có liên quan.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có bản bình luận kỹ thuật về dự thảo luật sau khi được tiếp thu chỉnh lý sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội với dung lượng tới 120 trang.

Bản bình luận nêu nhận định, dự thảo Bộ luật này đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nguyên tắc của ILO như nguyên tắc về bình đẳng, không phân biệt đối xử, về quyền tự do thương lượng của người lao động, cũng phù hợp với cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường.

Dự thảo luật hướng tới mở rộng đối tượng điều chỉnh, với cả khu vực có quan hệ và khu vực không có quan hệ lao động, cả khu vực chính thức và phi chính thức, điều chỉnh cả về điều kiện lao động và quan hệ lao động, hướng tới bảo vệ các nhóm lao động yếu thế như lao động trẻ em, người cao tuổi… với số lượng bao phủ khoảng 30 triệu người. Các quy định xây dựng để thúc đẩy chuyển lao động khu vực phi chính thức sang chính thức.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh lộ trình “chống sốc” đã được xây dựng.

Vấn đề nghỉ hưu sớm với nhóm lao động trong ngành nghề độc hại, nguy hiểm, cơ quan soạn thảo đã xây dựng danh mục, xác định 1.800 ngành nghề thuộc nhóm này với số lượng khoảng 3 triệu người đang làm việc.

Ông Dung khẳng định, số lao động này đương nhiên nằm trong nhóm nghỉ hưu sớm, trong trường hợp sức khỏe suy giảm thì thời gian được nghỉ hưu sớm tới 10 năm, đáp ứng ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đề ra.

Về việc mở rộng khung giờ làm thêm, Bộ trưởng Lao động cho biết cơ quan soạn thảo đã gửi báo cáo cụ thể tới UB Thường vụ Quốc hội.

Về quy định thời gian làm việc bình thường (như đề xuất của Chính phủ là giữ nguyên chế độ 48 giờ/tuần như hiện tại), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đây là vấn đề lớn, tác động tới tất cả các nhóm trong quan hệ lao động, cũng tác động lớn tới tăng trưởng, tới ngân sách và cả nền kinh tế nên cần đánh giá, lượng hóa cụ thể, như phân tích của UB Thường vụ Quốc hội đã nêu tại bản báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

Ông Dung nhấn mạnh, hiện tại Việt Nam đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/tuần nhưng cũng có quy định khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chế độ làm việc 40 giờ.

Thực tế, 86,9% doanh nghiệp đang thực hiện quy định làm việc 48 giờ/tuần, hơn 3% thực hiện quy định 44 giờ/tuần, còn lại thực hiện 40 giờ/tuần.

“Trong ASEAN, có 8/10 nước bố trí làm việc 48 giờ/tuần như Việt Nam, chỉ 2 nước Singapore và Indonesia áp dụng chế độ làm việc thấp hơn. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Singapore hiện cao gấp 10 lần Việt Nam. Còn Indonesia có dân số 247 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trên 6%, tức số người thất nghiệp rất lớn. Khi chúng tôi sang đó làm việc, phía bạn giải thích Indonesia cần giảm giờ làm để chia sẻ công biệc cho mọi người, để kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp” – Bộ trưởng giải thích.

Với Việt Nam, nếu giảm quy định giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, Bộ trưởng Dung thông tin, đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng thời gian lao động của một người giảm đi 208 giờ trong khi Chính phủ lại đang xin cho tăng giờ làm thêm.

Tổng chi phí lao động khi đó tăng 18%, kim ngạch xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm, tăng trưởng giảm 0,5%. Trong khi đó, để tránh việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải duy trì mức tăng trưởng trên 7%.

“Vậy nên cần đánh giá kỹ lưỡng thực tế này. Quốc hội nên giao Chính phủ nghiên cứu để thời điểm thích hợp sẽ tiến hành giảm giờ làm việc” - Bộ trưởng Lao động chốt lại.

Ý nghĩa việc có thêm 1 ngày nghỉ cho gia đình

Tại phiên thảo luận chiều 23/10, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tán thành với phương án bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm là ngày 28/6 – Ngày Gia đình Việt Nam với mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện cho mỗi người cùng chăm lo, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

“Việt Nam đã có ngày nghỉ lễ Giỗ tổ 10/3 âm lịch để dành cho tinh thần đoàn kết dân tộc, có ngày nghỉ Quốc khánh để hướng người dân dành tình cảm cho đất nước, giờ thêm ngày cho gia đình, cho tổ ấm, hạnh phúc thì rất ý nghĩa” – ông Trí phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng phân tích, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực và trên thế giới, số ngày nghỉ lễ tết của Việt Nam vẫn còn ít. Vậy nên đại biểu nhất trí với phương án cho người lao động nghỉ thêm 1 ngày và ấn định là ngày 28/6 để người lao động có 1 ngày nghỉ ý nghĩa mang tính chất đoàn tụ với người thân, gia đình.

Ngoài ra, ông Xuân cho rằng, người lao động là dân tộc thiểu số cũng nên được nghỉ thêm 1 ngày là ngày tết truyền thống của dân tộc mình để thể hiện sự quan tâm tới cộng đồng người dân tộc thiểu số.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục