Sáng 23/10, bản dự thảo mới nhất Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Cần chuẩn bị thêm việc giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về thời giờ làm việc bình thường, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.
Một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, việc giảm thời giờ làm việc bình thường là một vấn đề được sự quan tâm rất lớn của xã hội và tác động đối với tất cả các chủ thể liên quan nhưng cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện.
Đề xuất này cũng chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế.
Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có 9 đoàn đại biểu có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện về quy định thời giờ làm việc hàng tuần là 48 giờ/tuần.
18 đoàn đại biểu có ý kiến đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, vì đây là xu hướng tiến bộ, đồng thời nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì được sức khỏe, tái tạo sức lao động, có thời gian để chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
3 đoàn đại biểu có ý kiến đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần.
Cũng có ý kiến cho rằng cần đặc biệt cân nhắc khi giảm giờ làm việc bình thường.
Có 3 đoàn đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Bộ luật để thống nhất trong cả nước về thời gian làm việc 40 giờ/tuần của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội do đã thực hiện theo Quyết định số 188 năm 1999.
Thêm ngày để kéo dài mỗi kỳ nghỉ?
Cũng liên quan đến vấn đề thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông tin, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.
Nêu quan điểm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân tích, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Trưởng ban Soạn thảo dự án Bộ luật đã rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm và đề nghị giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ, hồi tháng 8 vừa qua.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án, không bổ sung ngày nghỉ lễ hoặc bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm, là ngày 28/6.
Kết quả thăm dò ý kiến về nội dung này thể hiện, có 30 đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị quy định theo hướng cần bổ sung thêm ngày nghỉ cho người lao động.
Trong đó, một số ý kiến đề nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ, tết trong năm. Có 2 đoàn đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 ngày do số ngày nghỉ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.
Có 30 đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị quy định theo hướng cần bổ sung thêm ngày nghỉ cho người lao động
Về ngày nghỉ cụ thể, có 17 đoàn đại biểu tán thành chọn Ngày Gia đình Việt Nam; 3 đoàn đề nghị thêm 2 ngày vào dịp nghỉ Tết Âm lịch; 11 đoàn đề nghị nghỉ thêm vào dịp Quốc khánh; 7 đoàn đề nghị nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết dương lịch (31/12); 3 đoàn đề nghị tăng thêm số ngày nghỉ hưởng nguyên lương để người lao động được bố trí học tập ý thức pháp luật, kỷ luật lao động.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức không được nghỉ bù, làm bù để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp và 2 đoàn nghiêng về đề xuất giữ như quy định hiện hành.