Bộ trưởng Công Thương không được chất vấn vì chỉ 3 đại biểu đăng ký hỏi

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết giá điện, xăng nằm trong nội dung xin ý kiến chất vấn nhưng không được nhiều đại biểu lựa chọn.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh:HT Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh:HT

Chiều 27/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về các nhóm vấn đề sẽ được chất vấn tại kỳ họp lần này. Theo đó, 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn gồm: Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Trả lời câu hỏi vì sao Bộ trưởng Công Thương không được lựa chọn chất vấn khi gần đây có nhiều vấn đề nóng liên quan đến Bộ này như tăng giá điện, điều chỉnh giá xăng..., ông Phúc nói cách đây một tháng, Văn phòng Quốc hội tổng hợp 9 nhóm vấn đề xin ý kiến các cơ quan để chất vấn, trong đó có lĩnh vực Công Thương. Tuy nhiên, sau đó 5 lĩnh vực được lựa chọn để xin ý kiến đại biểu Quốc hội là An ninh trật tự, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Thanh tra, Xây dựng và Giao thông Vận tải. 

"Trong phiếu xin ý kiến đại biểu, có mục ý kiến khác ngoài 5 lĩnh vực trên; kết quả chỉ có 3 trong số 471 đại biểu đề nghị chất vấn Bộ trưởng Công Thương. Như vậy là ít quá, không đủ để lựa chọn", Tổng thư ký Quốc hội nói.

Ông Phúc lý giải, quá trình xin ý kiến chất vấn có vấn đề giá xăng, giá điện nhưng quá trình chọn "có thể đại biểu thấy nhiều vấn đề nóng hơn". Ngoài ra, nội dung chất vấn phải đảm bảo hài hoà các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư pháp.

Trong 4 nhóm vấn đề sẽ được chất vấn tại kỳ họp này, đầu tiên là lĩnh vực an ninh trật tự; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; hoạt động "tín dụng đen", băng nhóm theo kiểu "xã hội đen"; đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm an toàn giao thông, nhất là các trường hợp tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định...

Trách nhiệm trả lời chính nội dung này là Bộ trưởng Công an Tô Lâm; cùng tham gia trả lời có Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Quốc phòng, Y tế, Giáo dục Đào tạo, Lao động Thương binh Xã hội...

Nhóm thứ hai liên quan đến lĩnh vực xây dựng gồm quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch; việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà là người trả lời chính nội dung này.

Nhóm thứ 3 được đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; quản lý giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ có trách nhiệm giải trình lĩnh vực này. 

Nhóm thứ tư về vấn đề quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu khu du lịch tâm linh... Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Cuối cùng, Phó thủ tướng sẽ trả lời các vấn đề thuộc về điều hành chung của Chính phủ.

Phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, từ 4 đến 6/6, được phát thanh, truyền hình trực tiếp.


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục