Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Không có chuyện “nhào nặn”, “đạo diễn” số liệu thống kê

Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về Luật thống kê sửa đổi vào sáng nay xung quanh ý kiến của một số đại biểu thắc mắc về số liệu thống kê không chính xác, mỗi thời điểm Tổng cục Thống kê (TCTK) lại công bố một số liệu khác nhau, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Không có chuyện “nhào nặn” hay “đạo diễn” số liệu thống kê”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

“Số liệu thống kê của chúng ta chưa thể chính xác tuyệt đối, nhưng cũng không đến nỗi mà như nhiều người phát biểu là số liệu được “nặn bóp”, “chế biến”, “nhào nặn”. Tôi khẳng định rằng, phương pháp tính toán thống kê của Việt Nam rất hòa nhập với quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định tiếp: “Chúng tôi không hề được yêu cầu hay bị bất cứ áp lực nào để làm số liệu thống kê khác đi”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan xây dựng mục tiêu, định hướng, chỉ tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tổng hợp chiến lược, kế hoạch phát triển của từng bộ ngành. Trên cơ sở chiến lược, kế hoạch, định hướng của các bộ ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân tích, đánh giá, lựa chọn trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Vì thế, số liệu có chính xác không, khách quan không, trung thực không nằm ở nơi khác chứ không phải nằm ở khâu tổng hợp, lựa chọn”.

“Tổ chức thống kê quốc tế và cơ quan thống kê rất nhiều nước thừa nhận thống kê Việt Nam đã theo sát với thông lệ quốc tế. Đại biểu Quốc hội hoàn toàn yên tâm khi cơ quan thống kê đưa ra phương pháp tính toán mới vì các phương pháp này cập nhật với thế giới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói tiếp.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ở các nước cơ quan thống kê chỉ đưa ra dự báo, mà đã dự báo thì thay đổi “luôn xoành xoạch”. Chính vì vậy, nên khi báo cáo Chính phủ về thống kê của nước ngoài hàng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mỗi tháng lại báo cáo một con số khác nhau. Ví dụ, tháng này Word Bank đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,4% trong khi đó tháng trước là 3,3% và tháng sau có khi lại là số liệu khác… Con số dự báo của World Bank, IMF, ADB hay các tổ chức tài chính quốc tế khác cũng vậy, có giá trị trong thời gian ngắn, và mỗi khi có sự kiện thay đổi về tình hình đầu tư, thương mại… thì họ lại thay đổi số liệu dự báo.

Trong khi đó ở Việt Nam, cứ mỗi khi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay TCTK đưa ra con số thống kê thì xã hội cứ mặc nhiên coi là con số chính xác trong khi con số này cũng chỉ là dự báo, thậm chí có dự báo được đưa ra trước hàng năm trời trong điều kiện hoạt động thương mại, kinh tế thế giới biến động hàng ngày, hàng tuần như dự báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chẳng hạn.

“Tôi đã từng đề nghị Thủ tướng Chính phủ là không đưa ra dự báo về CPI để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nữa vì CPI không phụ thuộc vào chúng ta mà phụ thuộc vào thế giới. Cụ thể, giá dầu giảm thì CPI giảm ngay, cả thế giới giảm chứ chẳng riêng gì chúng ta mà chúng ta lại ngồi đây để tính toán CPI kết thúc năm 2016 là bao nhiê trong khi không có căn cứ nào để dự báo. Vẫn biết là như vậy, nhưng sau khi bàn đi bàn lại, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, CPI rất quan trọng nên cứ đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 (CPI dưới 5%) để trình Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Hiện tại Việt Nam có 3 dạng số liệu thống kê, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là: “Khiến ngành thống kê rất trăn trở vì làm cho xã hội và dư luận hiểu sai về số liệu thống kê”.

Cụ thể, số liệu ước tính để phục vụ điều hành. Đó là số liệu công bố hàng tháng, tháng nào cũng phải ước tính, cứ họp Chính phủ là phải ước tính. Số liệu ước tính là số liệu tổng hợp trên cơ sở 2/3 kỳ điều tra trong tháng. Chính phủ họp phiên thường kỳ trong trong khoảng thời gian từ 25-29 hàng tháng nên chưa có số liệu của 10 ngày cuối cùng nên số liệu về tài chính, tín dụng, đầu tư, tiền tệ… đều chốt vào ngày 15 của tháng đó nên khi kết thúc tháng có sự thay đổi số liệu.

Số liệu thống kê sơ bộ là kết quả của cả 3 kỳ điều tra của tháng trước, nhưng chưa được thẩm định, rà soát xem là hợp lý hay không hợp lý cho vì thế cũng chưa chính xác.

Và cuối cùng là số liệu thống kê chính được công bố vào tháng 6 của năm sau. Đây mới là số liệu chính thức, số liệu được coi là chính xác.

“Cái khó của chúng ta là có số ước tính, số sơ bộ và rồi lại có số chính xác. Vì vậy mới có người băn khoăn là trước đây mấy tháng “ông” công bố GDP tăng 6,28%, giờ lại nói 6,31% và ít nữa lại công bố con số khác”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư chia sẻ với đại biểu Quốc hội.

Trong số 185 chỉ tiêu được công bố chính thức vào tháng 6 hàng năm thông qua niên giám thống kê cũng có rất nhiều chỉ tiêu chỉ là tạm tính do chưa hoàn thành. Mặc dù chưa chính thức nhưng TCTK vẫn phải công bố và coi như con số chính thức vì theo thông lệ quốc tế, chậm nhất sau 6 tháng kể từ khi kết thúc năm phải công bố số liệu thống kê quốc gia (năm trước).

“Cứ mỗi lần Chính phủ họp, cơ quan thống kê phải đưa ra các con số ước tính về tình hình kinh tế - xã hội nhằm mục đích điều hành hàng tháng, hàng quý nên anh em thống kê hết sức băn khoăn. Mặc dù con số ước tính không sai nhiều lắm so với con số sơ bộ và con số chính thức, nhưng mỗi lần lại công bố một con số khác nhau về tăng trưởng kinh tế, về CPI, về tiền tệ, tín dụng… nên mọi người nghi ngờ là con số thống kê được đạo diễn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Ở Việt Nam không một tổ chức nào có con số chính xác hơn TCTK vì cơ quan thống kê không hề chịu áp lực là phải tăng thêm một tí hay giảm đi một tí vì không hề có lợi ích gì trong việc này”. Nhưng ông cũng rất trăn trở: “Chúng ta không quá băn khoăn về số liệu của TCTK mà chỉ băn khoăn là đầu vào của số liệu có chính xác hay không.

“Ai cũng biết rất nhiều người có nhiều nhà cửa, đất đai, bất động sản, nhưng khi điều tra, khảo sát họ không kê khai, kê khai không đầy đủ. Trong số các đại biểu ngồi đây cũng có không ít người kê khai không chính xác chứ nói gì đến người dân. Một khi đầu vào của số liệu không chính xác thì đừng nói gì đến số liệu chính xác. Tôi rất băn khoăn, trăn trở về vấn đề này”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư trăn trở.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục