Bộ trưởng Bộ Tài chính: Dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về một trong những vấn đề "nóng" hiện nay là trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc được đánh giá là lần đầu bị chất vấn nhưng đã có sự chuẩn bị nội dung tốt. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc được đánh giá là lần đầu bị chất vấn nhưng đã có sự chuẩn bị nội dung tốt.

Chiều 8/6, phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội tiếp tục diễn ra với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đăng ký tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu vấn đề thực trạng và giải pháp quản lý trái phiếu doanh nghiệp để không phát sinh tiêu cực.

Theo ông Nghĩa, về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng nói là theo mục tiêu chiến lược đến năm 2025 quy mô trái phiếu đạt 20% GDP. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, quy mô trái phiếu tương đương 18,2% GDP, khoảng 51 tỷ USD. So với năm 2018, quy mô năm 2021 tăng gấp 3 lần, phải chăng thời gian qua chúng ta buông lỏng cảnh báo của Bộ Tài chính?

Bộ Tài chính vừa qua cũng đi thanh tra và thấy rằng, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Trong 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm vừa qua thì phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chiều 8/6 (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chiều 8/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

"Có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao lên tới 13%/năm, có doanh nghiệp vốn sở hữu là 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần. Có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 27 tỷ đồng, tỷ lệ là 28 lần", ông Nghĩa thông tin.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, có hai công việc phải làm: Thứ nhất và quan trọng nhất là có giải pháp quản lý sao cho 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất của nhiều năm trước đây. Điều này liên quan đến ngành ngân hàng. Thứ hai là giải pháp, kiểm soát làm sao cho 51 tỷ USD tồn đọng không thành vấn đề mới là quan trọng.

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với trái phiếu doanh nghiệp thì theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi tương đương 15% GDP.

“Vấn đề là từ trước đến nay, doanh nghiệp có trả được nợ trái phiếu không? Trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay vẫn chưa trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp khác khi đến hạn đều trả được nợ. Như vậy, dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Ông Phớc cũng nói thêm, quản lý trái phiếu doanh nghiệp phải thực hiện đúng Luật Chứng khoán, Nghị định 153. Theo đó, phần trái phiếu phát hành riêng lẻ cơ quan quản lý nhà nước gần như không cấp phép, không can thiệp.

"Khi thảo luận luật, chúng ta cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, do doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tự trả, chúng ta không can thiệp vào. Sau này thấy phát hành nhiều quá thì cơ quan quản lý mới đặt vấn đề quản lý", ông Phớc nói.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó, tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ