Khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 08/2020, phía EU dành tổng lượng hạn ngạch cho Việt Nam là 80.00 tấn/năm với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, cùng thuế trong hạn ngạch là 0%.
Với gạo tấm sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm và từ 3-5 năm cho sản phẩm từ gạo.
Phải vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo nội địa mới có thể khai thác hết hạn ngạch này.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) đang chủ trì dự thảo Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch.
Cục Trồng trọt sẽ thực hiện xác nhận chủng loại gạo với hàng loạt tiêu chí được đánh giá là “rất phức tạp” mà doanh nghiệp phải đáp ứng.
Theo cam kết EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/ năm, với gạo đã/ chưa xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%(Ảnh minh họa: Lê Toàn)
Tại hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU” vừa được tổ chức hôm 30/06, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An kiến nghị, nếu EU phía không bắt buộc các tiêu chuẩn sắp ban hành trong nghị định trên thì Việt Nam nên dùng hình thức khác trong đánh giá chất lượng.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, gạo là mặt hàng nhạy cảm và nội khối EU sản xuất gạo nên việc đàm phán mở cửa mặt hàng này rất khó khăn.
Và tránh tranh chấp thương mại trong trùng lặp một số mặt hàng, việc ban hành thêm Nghị định là phù hợp. Bởi phía EU đưa ra những tiêu chuẩn liên quan đến quy trình canh tác riêng, một số giống lúa nhất định.
Chia sẻ thêm về dự thảo Nghị định mới này tại tọa đàm về EVFTA và vai trò của truyền thông được tổ chức sáng 01/07 tại TP.HCM, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NN& PT NT “không đưa thêm điều kiện và giấy phép mới” vào dự thảo Nghị định.
“Phải theo hướng tạo sự đơn giản hóa cho doanh nghiệp chứ không phải tiếp tục cơ chế xin giấy phép. Trong trường hợp khi EVFTA có hiệu lực, Nghị định chưa xong, Bộ Công thương sẽ bàn với Bộ Nông nghiệp thống nhất với EU để có cơ chế tạm thời, nhằm đảm bảo ngay hiệu quả trong thực thi Hiệp định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và lý giải, Bộ Công thương không chứng nhận chủng loại gạo xuất sang EU nhưng có trách nhiệm là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo gạo Việt Nam vào thị trường này theo đúng cam kết EVFTA.